Tiếng Việt | English

08/10/2021 - 15:41

Thực hiện 'mục tiêu kép': Cần có tiêu chí cụ thể về phục hồi kinh tế

Để phục hồi sản xuất bước vào giai đoạn ‘chống dịch bệnh’ mới, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.


Cộng đồng doanh nghiệp đuối sức sau 4 đợt dịch bùng phát. (Ảnh minh họa/TTXVN)

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nền tảng cân đối kinh tế vĩ mô trong chín tháng của năm vẫn ổn định, song trong bối cảnh “sức khỏe” của khối doanh nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng, kỳ vọng tăng trưởng GDP ở mức 3% là rất khó.

Đặc biệt, việc thực hiện "mục tiêu kép," nếu không có tiêu chí rõ ràng, cụ thể về phục hồi kinh tế, cũng sẽ không thể hiện thực.

Cần tiêu chí rõ ràng về phục hồi kinh tế

Theo ông Trương Văn Cẩm-Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May, Chính phủ đặt ra "mục tiêu kép" song lại không giao chỉ tiêu phát triển kinh tế cho địa phương mà chỉ giao nhiệm vụ chống dịch. Do đó thời gian qua, nhiều địa phương chỉ tập trung mọi nguồn lực và giải pháp vào chống dịch, vào mục tiêu ‘vùng xanh.’

"Vì vậy tới đây, Chính phủ cần giao cụ thể mục tiêu phục hồi kinh tế cho địa phương, trong đó đảm bảo vừa chống dịch đồng thời với phát triển kinh tế,” ông Cẩm đề xuất.

Trên cơ sở đó, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, các địa phương sẽ phải tính toán nguồn lực và giải pháp đồng bộ khôi phục sản xuất-kinh doanh trên địa bàn trong điều kiện ‘sống chung với dịch COVID-19”. Điều quan trọng nhất mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi hiện nay là tính nhất quán giữa các quy định về phòng-chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương cũng như sự phối hợp, kết nối với các địa phương lân cận.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, các cơ quan chức năng từ trung ương, bộ, ngành đến địa phương cần đưa ra lộ trình, kế hoạch mở cửa rõ ràng cùng với việc thực thi phải đảm bảo tính khách quan, công khai và minh bạch. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể chủ động chuẩn bị nguồn lực, lực lượng lao động, điều kiện sản xuất cũng như bố trí nơi ăn ở cho công nhân… để phục hồi sản xuất hiệu quả.

Để làm được những điều này, ông Lực cho rằng Chính phủ cần phải có chương trình hồi phục kinh tế-xã hội tổng thể, thay đổi mô hình thích ứng với hoàn cảnh mới, trong đó làm rõ nội hàm “sống chung với COVID-19” là như thế nào. Bởi theo ông Lực, vừa qua Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhưng vẫn cần phải rõ ràng hơn nữa.

Ông Lực đề xuất trước hết phải có khung chương trình phục hồi kinh tế-xã hội của các địa phương nhằm đảm bảo sự nhất quán, tính liên vùng cũng như yếu tố lan tỏa.

"Không nên phân định rủi ro lây lan dịch bệnh theo hướng địa lý, mà phải có các biện pháp giãn cách phù hợp hơn, dựa trên công nghệ thông tin, dữ liệu thu thập… thay vì mệnh lệnh hành chính," ông Lực nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ phải đúng lúc, đúng địa chỉ

Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận định chưa bao giờ, nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp như ba quý vừa qua, đặc biệt lần đầu tiên có quý trưởng âm (-6%). Cùng với đó, “nội lực” (người dân và doanh nghiệp) cạn kiệt, rất khó khăn sau 4 đợt dịch bệnh bùng phát vừa qua. 

Dẫn chứng thực tế, ông Cẩm cho biết tình hình thực tế của các doanh nghiệp ngành dệt may rất "bi đát," đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Cụ thể, số việc làm trong tháng Chín giảm mạnh khi một số tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện chỉ thị 16, số doanh nghiệp đáp ứng được mô hình ảnh xuất 3 tại chỗ chỉ đạt khoảng 10%-15%.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng và tiêu thụ, sản xuất đều bị đứt gãy. Cụ thể, nguồn cung nguyên vật liệu chủ yếu từ Trung Quốc song bị gián đoạn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng từ các thị trường Mỹ, châu Âu cũng sụt giảm, trong khi hoạt động sản xuất trong nước phụ thuộc vào việc khống chế dịch.

(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Đáng lo ngại hơn, ông Cẩm nhấn mạnh đến nguy cơ đứt gãy dòng tiền. "Hiện nay, chi phí sản xuất đang bị đội lên rất cao, trong khi doanh thu của doanh nghiệp lại bằng 0. Đơn cử như Tổng công ty May Việt Tiến có 36.000 lao động, mấy tháng qua ngừng sản xuất song vẫn phải trả lương khoảng 600 tỷ đồng cho công nhân," ông Cẩm chua chát nói.

Về vấn đề này, Hiệp hội Dệt may đã kiến nghị nhiều lần lên Chính phủ xem xét các gói hỗ tài chính trợ doanh nghiệp vay vốn để không bị đứt gãy dòng tiền, có thể nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, phục hồi kinh doanh.

Hay như du lịch, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, Đại diện Hiệp hội Du lịch cũng cho biết 50.000 doanh nghiệp trong ngành cùng hơn 2 triệu lao động trực tiếp, 4 triệu lao động gián tiếp đang phải ngừng hoạt động.

Theo vị đại diện này, việc phục hồi hoạt động kinh doanh của ngành trong năm 2022 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Hiện tại, 90% doanh nghiệp và nhân lực bị “tê liệt,” trong đó khoảng 60% doanh nghiệp này khó phục hồi lại.

Do đó, đại diện ngành du lịch cũng đã đề nghị Chính phủ cần có những chính sách cụ thể, thậm chí chưa từng có trong tiền lệ, nhằm giải quyết phá sản, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cũng như chính sách tín dụng, cho vay tái tạo hoạt động, trả lương người lao động… để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp không khói...

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù doanh nghiệp khát vốn là thế, Chính phủ cũng đã liên tiếp ban hành nhiều gói hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người lao động... song hiệu quả thì lại chưa thấy rõ. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, gói hỗ trợ chưa "trúng" đã khiến cho doanh nghiệp thật sự cần vẫn chưa tiếp cận được đồng vốn hỗ trợ.

"Các cơ quan chức năng bên cạnh việc ban hành và thực thi nhanh các gói hỗ trợ, thì cũng cần phải có biện pháp tháo gỡ khó khăn ngay khi có vướng mắc. Ví dụ như gói hỗ trợ cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động gặp vướng mắc, nhưng do tháo gỡ quá lâu đã mất đi tính tức thời của gói hỗ trợ. Vì vậy, với các gói chính sách hỗ trợ mới, các cơ quan quản lý cần chú trọng đến việc tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp," ông Lực kiến nghị. 

Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP của quý 4 đồng thời tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế năm 2022, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành cho rằng Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ tiền tệ song hành với việc mở rộng “gói tài khóa,” như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cao hơn trong năm 2022 để ưu tiên triển khai các gói chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trước đó, ông Thành cũng nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ cho đến thời điểm này triển khai vẫn là muộn. Do đó, theo ông Thành, chính sách duy nhất cần lúc này là mở cửa và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết