Bạn gái trẻ, hiện đang là sinh viên đại học, viết thư về chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" với nội dung: "Vì muốn trải nghiệm, bổ sung kiến thức xã hội, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để xin việc khi ra trường, muốn tự kiếm tiền trang trải cho bản thân nên em nghĩ đến chuyện kinh doanh. Em xin mẹ cho tiền làm vốn nhưng mẹ lo em kinh doanh thua lỗ nên không cho. Vậy là em quyết định tích cóp tiền. Sau 2 tháng tiết kiệm các khoản chi tiêu, em cũng dành dụm được hơn 1 triệu. Em quyết định đầu tư buôn các đồ phụ kiện xinh xắn cho tuổi teen và đã thu được vốn nên bố mẹ em không cản nữa. Nhưng đúng lúc đó, chị dâu em sinh đôi được 2 bé trai. Bố mẹ đẻ của chị ở xa nên không thể đến giúp chị trông con được. Bố mẹ em thì đều bận bịu chuyện làm ăn, buôn bán. Vì thế chuyện cơm nước, nhà cửa, giúp chị dâu trông con rơi vào tay em. Bận bịu cả một ngày, lại thêm phải học online, thời gian em vào chốt đơn, đóng hàng cho khách chẳng còn là bao nên việc buôn bán chịu nhiều ảnh hưởng. Em bảo bố mẹ thuê giúp việc về đỡ đần cho chị dâu thì mẹ em gạt đi, bảo là em đang rảnh, giúp bố mẹ, anh chị một chút thì có gì mà kêu? Nhưng em thật sự không muốn bỏ việc bán hàng online. Sự nghiệp kinh doanh kiếm tiền của em đang tốt đẹp không lẽ lại tiếp tục bị trì hoãn? Đến bao giờ em mới thoát khỏi công việc gia đình? Đến bao giờ em mới được tự do thực hiện ước mơ không rào cản?"
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels
Sau khi câu chuyện của bạn được phát sóng, chương trình đã nhận nhiều ý kiến thính giả và biên tập viên chương trình cũng có đôi lời dành cho bạn gái trẻ:
Trước hết thì phải khẳng định rằng sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều bạn trẻ vẫn còn khá bỡ ngỡ khi bắt đầu làm việc trong môi trường công sở. Họ gặp khó khăn trong quá trình hòa nhập với văn hóa công ty, chất lượng công việc thường bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc chủ quan, và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm làm việc, thậm chí có 1 số bạn trẻ còn không thể xin được việc vì chưa có kinh nghiệm. Thế nên, những gì mà em lo lắng về tương lai sau khi ra trường thật sự là không hề thừa. Có điều, tôi nghĩ em nên biết thêm 1 chuyện nữa. Ấy là nhiều sinh viên không xin được việc đổ thừa cho kiến thức học ở trường quá xa rời thực tiễn, mà không biết rằng, đó là những kiến thức nền tảng cơ bản mà ta cần phải nắm chắc rồi sau đó học hỏi thêm từ nhiều nguồn khác, như: sách báo chuyên ngành, mạng internet, hay những người xung quanh... Vậy bây giờ, hãy cùng nhìn lại xem em đã làm được những gì? Em có phải là người hay đọc, ít nhất là về những gì liên quan đến ngành nghề của mình? Nếu có khúc mắc, em có trao đổi với bạn bè hay hỏi thầy cô? Em có tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước chưa? Hay em đã trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết như ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm… như thế nào? Tất nhiên, 1 phần quan trọng nữa để sau này dễ kiếm việc là làm thêm. Thế nhưng, dường như em đang bị lẫn giữa 2 khái niệm là làm thêm để kiếm tiền với làm thêm để học hỏi thêm kiến thức và tiếp thu kinh nghiệm. Xác định sai mục tiêu thì mọi sự tập trung và lĩnh hội của em sẽ hoàn toàn khác, khiến em lãng phí thời gian và kết quả chẳng được như ý. Vậy nên, trước hết, em phải định hướng lại cho rõ ràng xem mình làm thêm vì mục tiêu gì. Nếu là cần kinh nghiệm, kiến thức thì em có thể xin cho mình những công việc gần với ngành nghề mà em muốn theo đuổi trong tương lai. Như thế, em vừa bổ sung được kiến thức vừa hiểu hơn về công việc tương lai. Và nếu em muốn tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm thì đâu nhất thiết phải tự mình đứng ra kinh doanh hay đi làm thêm ở ngoài.
Dĩ nhiên, công việc nhà và chăm lo cho các cháu sẽ khiến em mất khá nhiều thời gian. Thế nên, muốn làm việc để tích thêm kinh nghiệm thì em cần cố gắng thu xếp mọi chuyện một cách hợp lý. Hoặc có thể trao đổi với mẹ và anh chị để cả nhà hiểu, thông cảm và cùng nhau bố trí thời gian. Đợi khi các cháu cứng cáp hơn, gia đình đỡ bận rộn thì em sẽ có nhiều thời gian hơn để làm điều mình muốn. Tất nhiên, em muốn thực hiện hoài bão, ước mơ hay kiếm tiền thì đều không sai. Nhưng hiện nay, gia đình đang cần em. Nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình thì em sẽ dần đánh mất tình cảm gia đình, mà đó chính là chỗ dựa cho em về tinh thần, và hiện giờ là cả vật chất nữa. Hơn nữa, nếu chỉ làm thêm với mục đích kiếm tiền thì số tiền em làm ra liệu có đủ để phụ giúp cho gia đình không, hay chỉ đủ cho em chi tiêu? Và đánh đổi mất tình cảm gia đình vì tiền tài, vật chất liệu có phải là lựa chọn khôn ngoan?
Thay vì cứ im lặng rồi ấm ức, hoặc lúc nào cũng giục mẹ thuê giúp việc, em có thể bình tĩnh góp ý với các thành viên trong gia đình mình, tâm sự để họ hiểu những suy nghĩ của em. Và quan trọng là em cũng cần chứng minh cho mọi người thấy rằng mình không còn là đứa trẻ mà là 1 người trưởng thành, không phải qua việc đề cao và thể hiện cái tôi cá nhân, không phải qua những hành động vượt ra ngoài khuôn khổ… mà em cần có sự thay đổi trong suy nghĩ. Khi em chín chắn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ thì gia đình sẽ không còn phải lo lắng cho em nữa, cũng sẽ không cấm cản em làm việc mình muốn nữa./.
Theo VOV