Tiếng Việt | English

16/07/2016 - 11:36

Thực phẩm “bẩn”: Đạo đức người sản xuất, kinh doanh ở đâu?

Thực phẩm “bẩn” đang hoành hành cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, lương tâm của nhiều người kinh doanh, buôn bán thực phẩm.

Bò viên từ cá và thịt trâu

Gần như ngày nào cũng có những vụ thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo chất lượng được phanh phui. Nhiều chuyên gia nhận định, thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo chất lượng hiện đang trở thành quốc nạn. Bởi hiện nay thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo chất lượng không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín - nơi rất đông người tiêu dùng khá tin tưởng vào chất lượng.

Mới nhất là vụ cơ quan quản lý phát hiện Công ty Việt Sin ở quận Bình Tân, TP.HCM sử dụng cá và thịt trâu để làm thành bò viên. Theo kết quả giám định, trong mẫu bò viên GoGo chỉ có ADN của cá, không tìm thấy ADN của bò. Còn trong mẫu bò viên Merlion chỉ có ADN của trâu, không có ADN của bò.

Cán bộ đoàn liên ngành huyện Củ Chi (TP.HCM) kiểm tra cơ sở biến thịt trâu thành thịt bò (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trên bao bì sản phẩm bò viên của công ty này ghi thành phần thịt bò 80% khối lượng sản phẩm nhưng trên thực tế thịt bò chỉ có khoảng 15 - 25% khối lượng sản phẩm. Từ kết quả giám định này cho thấy, Việt Sin có dấu hiệu gian dối để qua mặt các siêu thị và người tiêu dùng.

Trước đó, cảnh sát môi trường kiểm tra kho hàng của Công ty Việt Sin, phát hiện 9 sản phẩm không có công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có nhưng không còn giá trị. Ở thời điểm kiểm tra, tại xưởng chế biến của công ty này đoàn kiểm tra còn phát hiện 5 lít màu caramen dùng để tạo màu sản phẩm, hơn 60kg lòng heo không giấy chứng nhận kiểm dịch, gần 180kg sản phẩm các loại đã hết hạn sử dụng. Đại diện đoàn kiểm tra cho biết, công ty trên đã thừa nhận việc sử dụng chất phụ gia màu caramen tạo màu cho sản phẩm, nhưng trên bao bì lại ém nhẹm thông tin này.

Sự xuống cấp về đạo đức

Bên lề của buổi giao lưu trực tuyến “Nguồn rau sạch cho bữa cơm gia đình” gần đây trên báo chí, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản, Bộ NN&PTNN cho biết, thời gian qua các cơ quan chức năng lấy 7.593 mẫu rau, phát hiện 393 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,17%).

Điều đó cho thấy mức độ phát hiện vi phạm còn chưa cao, chưa đáp ứng mong đợi của người dân. Người dân chưa thực sự yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cũng là điều dễ hiểu. Thực phẩm bẩn không chỉ là vấn đề về ATTP, mà còn là vấn đề gây nhức nhối về lương tâm con người. Đi liền mục đích lợi nhuận chính là sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.

Hậu quả của việc chỉ nghĩ đến bảo vệ mình và xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác là tình trạng mọi người đang tìm cách giết hại lẫn nhau, vì chúng ta không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác. Nếu người sản xuất không tuân thủ nguyên tắc trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ có nguy cơ gây mất ATTP.

Theo ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, quy định pháp luật nhiều, mạnh nhưng tình trạng mất ATTP vẫn diễn ra. Để ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo ATTP, phải xây dựng “chuỗi sản xuất” đạt tiêu chuẩn ATTP. Người sản xuất chế biến phải có ý thức, lương tâm trong sản xuất chế biến và người kinh doanh phải nghĩ tới sức khỏe của họ cũng như sức khỏe của người tiêu dùng./.

VOV.VN/Theo Hồng Nhung/Báo TNVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích