Một lô hàng thực phẩm bẩn bị thu giữ ở Thanh Hóa. (Nguồn: TTXVN)
Theo Thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có gần 80.000 người chết và 150.00 người mắc mới ung thư. Đáng lưu ý, số người chết và mắc mới ung thư là do bốn nguyên nhân chính: 35% do thực phẩm chưa an toàn, 30% do thuốc lá, di truyền từ 5-10% và còn lại là các nguyên nhân khác.
Đặc biệt, số người mắc mới bệnh ung thư sẽ không dừng lại ở đó mà còn gia tăng trong những năm tiếp theo khoảng 200.000 ca vào năm 2020.
Thông tin trên được giáo sư Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Giải pháp đánh thức hệ thống thải độc cơ thể phòng ngừa ung bướu” do Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư phối hợp cùng Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI tổ chức chiều 13/12, tại Hà Nội.
Chính vì vậy, các giải pháp để hạn chế vấn nạn độc tố từ thực phẩm bẩn, môi trường và nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay được rất nhiều người dân quan tâm.
Về công tác điều trị bệnh nhân mắc ung thư, thống của Bệnh viện K chỉ rõ, có đến 71% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên (giai đoạn muộn). Do vậy, khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém, hiệu quả thấp và tổn hại sức khỏe người bệnh.
Thực tế cho thấy, có tới 70-80% bệnh nhân ung thư ở các nước được chữa khỏi nếu họ được dự phòng và phát hiện sớm.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, số tiền bảo hiểm y tế Việt Nam phải chi trả cho điều trị căn bệnh ung thư cũng lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm (160 triệu USD năm 2013). Chính vì vậy, việc đưa ra những giải pháp dự phòng và tầm soát ung thư sớm hiện nay ở Việt Nam là cần thiết và cần được đẩy mạnh nhằm tránh những tổn thất cho ngành y tế cũng như thêm cơ hội khỏi bệnh cho người bệnh.
Tại hội thảo, phó giáo sư Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Y học dự phòng Việt Nam phân tích, hiện nay các xu hướng các can thiệp dự phòng trong điều trị ung thư trong tương lai sẽ tập trung vào nhiều yếu tố mới.
Chẳng hạn như việc ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý và điều chỉnh các gen gây ung thư; dự phòng, tầm soát phát hiện sớm bệnh, trong đó có việc bổ sung các chất chống oxy hóa nhằm tăng cường đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Trong bài báo cáo của mình, chuyên gia công nghệ y học đến từ tập đoàn Frutarom Thụy Sỹ - tiến sỹ Rudy Simons cho hay: Việc thải độc cơ thể theo liệu trình đã được các nước phát triển quan tâm từ 2 thập kỷ trước, cách tốt nhất chính là đánh thức hệ thống thải độc cơ bằng việc bổ sung hoạt chất BroccoRaphanin, giúp cơ thể tăng khả năng thải độc cơ thể lên nhiều lần, tránh nguy cơ nhiễm độc tế bào, ngăn ngừa ung bướu và các bệnh mãn tính.
Hiện nay Broccoraphanin đã trở thành nguồn nguyên liệu quý được gần 20 quốc gia, trong đó, có Việt Nam ứng dụng sản xuất dược phẩm.
Cũng tại hội thảo, Tập đoàn Frutarom Thụy Sỹ đã chuyển giao độc quyền nguồn nguyên liệu Broccoraphanin thành sản phẩm thải độc cơ thể bảo vệ tế bào chuyên biệt cho phía đại diện của Việt Nam.
Đây được coi là một bước ngoặt mới quan trọng trong hợp tác về lĩnh vực y dược học giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.
Trong hội thảo, ba báo cáo khoa học lớn được trình bày thu hút được sự quan tâm của nhiều người gồm: “Tình hình ung thư Việt Nam, phòng và phát hiện sớm một số bệnh ung thư thường gặp”- của giáo sư Nguyễn Bá Đức, “Các giải pháp dự phòng ung thư trên thế giới và Việt Nam” của phó giáo sư Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Y học dự phòng, “Giải pháp đánh thức hệ thống thải độc từ Thụy Sĩ giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh tật” của tiến sỹ Rudy Simons./.
Theo TTXVN