Tiếng Việt | English

07/05/2023 - 07:18

Thực phẩm người bệnh thận mạn tính cần hạn chế

Người có bệnh thận mạn tính cần kiêng ăn gì để có thể kiểm soát tình trạng bệnh?

Theo TS-BS Lê Thị Phượng, Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận mạn, sỏi tiết niệu, viêm đài bể thận, bệnh thận đa nang, hệ lụy của lạm dụng thuốc, hoặc bẩm sinh - di truyền… Khi bị bệnh thận, có thể sẽ dẫn đến suy thận mạn. Suy thận mạn có thể có các biến chứng như: phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim…

Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, những người bệnh suy thận mạn cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học để giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn. Tùy theo mức độ suy thận và cân nặng, chiều cao, người mắc bệnh thận mãn tính cần có khẩu phần ăn phù hợp.

Các loại thực phẩm có chứa nhiều kali và photpho

Theo đó, người suy thận cần có chế độ ăn giảm đạm. Tuy nhiên, mức độ giảm đạm tùy theo độ suy thận và trên nguyên tắc giảm lượng đạm nhưng vẫn cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Người suy thận có thể thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu năng lượng ít đạm như khoai lang, miến dong, bột sắn và các loại rau ít đạm như bầu, bí xanh, mướp, rau họ cải… Với gạo tẻ, gạo nếp, người suy thận nên ăn từ 100 - 150 gram/ngày.

Đặc biệt, người bệnh thận mạn tính cần giảm muối, sử dụng dưới 5 gram/ngày. Lưu ý hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như: thực phẩm lên men (dưa muối, cà muối, dưa chuột muối, kiệu…); các loại thịt cá chế biến sẵn (thịt xông khói, giò, chả, ruốc, xúc xích… Lượng muối cũng có nhiều trong các loại súp, nước dùng, nước sốt (nước phở, nước bún cá, nước bún riêu cua...); các loại mì ăn liền, pizza; đồ ăn vặt (bim bim, hạt điều rang muối, bánh gạo, bỏng ngô…).

Bên cạnh đó, người mắc bệnh thận mạn, người suy thận nên hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều kali và photpho. Những thực phẩm giàu kali bao gồm: chuối, mít, bơ vỏ xanh, nhãn khô, vải khô, nho khô, mơ khô…; các loại hạt khô (hạt sen khô, hạt dẻ khô, đậu tương, vừng); các loại rau: rau dền cơm, lá lốt, rau khoai lang, rau dền đỏ, măng tre, măng chua, giá đậu tương…

Những thực phẩm giàu photpho gồm: lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, phô mai, thức ăn khô: tôm khô, tép khô, thịt bò khô… Với người bệnh suy thận mạn đã phải lọc máu chu kỳ (thận nhân tạo), đặc biệt cần hạn chế các loại thức ăn có nhiều kali, photpho… Những chất này nếu tăng sẽ gây nhiều biến chứng cho người bệnh đang lọc máu.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu, chia sẻ thêm: Người suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ không đào thải được kali. Nếu kali máu vượt quá ngưỡng sẽ gây ngừng tim, tử vong. Còn photpho đào thải khó trong thận nhân tạo, khi tăng photpho sẽ làm rối loạn cân bằng canxi - photpho gây hệ lụy lâu dài ở bệnh nhân thận nhân tạo lâu năm./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích