Nhân viên y tế lấy mẫu máu để thử đường huyết cho một bệnh nhân tại một trung tâm y tế ở Hyderabad. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hoóc môn-insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra.
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đã lên đến con số trên 3,5 triệu người; dự báo sẽ tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.
Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết.
Bệnh đái tháo đường có thể gây nên các biến chứng mãn tính nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới.
Người trưởng thành mắc đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Bệnh võng mạc tiểu đường là một nguyên nhân quan trọng gây mù do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc. 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường .
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận.
Trong đại dịch COVID-19, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn. Đồng thời, dịch COVID-19 khiến người bệnh đái tháo đường khó tiếp cận hoặc gián đoạn quá trình điều trị thường xuyên, dẫn đến làm tăng mức độ nặng và các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Biến chứng tim mạch: mức đường huyết cao kéo dài ảnh hưởng đến tim và mạch máu và có thể gây ra các biến chứng như bệnh động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường.
Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Biến chứng thận (bệnh thận đái tháo đường): gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người đái tháo đường hơn những người không mắc đái tháo đường.
Biến chứng thần kinh (bệnh thần kinh do đái tháo đường) là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường típ 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao.
Biểu hiện ở các chi: tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, thiểu dưỡng và loét do thiếu dinh dưỡng là nguy cơ của nhiễm trùng dẫn đến đoạn chi (cắt bỏ một phần của chi)...
Tổn thương dây thần kinh sọ có thể gây sụp mi, lác trong, liệt mặt.
Tổn thương thần kinh thực vật còn có thể gây nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa...
Biến chứng mắt (bệnh võng mạc do đái tháo đường): mức đường huyết cao liên tục cùng với huyết áp cao và cholesterol cao sẽ khiến tổn thương võng mạc, làm giảm thị lực hoặc mù lòa.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng: đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền... Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.
Glucose máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này dễ dẫn đến các tai biến sản khoa cho trẻ và mẹ; nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sau sinh.
Trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ cao bị tiểu đường trong tương lai hơn các trẻ khác.
Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều các cơ quan khác của cơ thể như xương, khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ hay các bệnh về da./.
(TTXVN/Vietnam+)