Cửa hàng Rau an toàn Phước Hòa (chợ phường 2, TP.Tân An) thu hút khách hàng nhờ cam kết không tuồn hàng chợ
Nguồn “cung” thực phẩm sạch
Trước nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, NTD rất e ngại về an toàn thực phẩm và mong muốn được cung cấp nguồn thực phẩm sạch. Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch xây dựng mô hình chuỗi cung cấp rau, thịt, gạo an toàn vào cuối năm 2017, Long An có 6 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản trao giấy chứng nhận chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 điểm bán nông sản thực phẩm an toàn, trong đó có 4 điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, 5 điểm còn lại bán nông sản an toàn, có kiểm soát chất cấm.
Cửa hàng Rau an toàn Hoàng Yến tại chợ Rạch Kiến, xã Long Hòa, huyện Cần Đước được khai trương vào ngày 08/12/2017, do chị Nguyễn Thị Ngọc Quý bán. Chị Quý là tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả các loại tại chợ này gần 20 năm. Hiện tại, chị Quý kinh doanh cả 2 loại rau, củ, quả là hàng chợ và rau an toàn do DNTN Rau an toàn Hoàng Yến (xã Phước Vân) cung cấp với khoảng 10 loại rau.
Chị Quý cho biết: “Bình quân mỗi ngày, tôi cung cấp cho NTD khoảng 500kg rau, củ, quả là hàng chợ và 50-100kg rau an toàn. Lợi thế lớn của tôi là cung cấp rau hàng ngày cho NTD và có thể giới thiệu rau an toàn cho họ. Những ngày đầu bán rau an toàn, NTD chưa biết nên ít mua, nay họ quen rồi nên tìm đến mua nhiều hơn”.
Cửa hàng Rau an toàn Phước Hòa bắt đầu khai trương tại chợ phường 2, TP.Tân An vào tháng 9-2016. Lúc mới kinh doanh, cửa hàng gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm này, sau hơn 5 tháng, anh Nguyễn Hùng Thanh tiếp nhận công việc kinh doanh, tạo dựng lòng tin nơi khách hàng, cửa hàng bắt đầu thu hút NTD.
Anh Thanh cho biết: “Bình quân mỗi ngày, cửa hàng cung cấp cho NTD 300-400kg rau, củ, quả các loại là thế mạnh của Long An lẫn sản phẩm từ Đà Lạt (do HTX Phước Hòa liên kết với một số HTX tại Đà Lạt cung cấp). Ngoài rau an toàn, cửa hàng còn cung cấp gạo sạch từ các đơn vị có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Để tạo dựng lòng tin cho NTD, tôi cam kết cửa hàng không tuồn rau chợ vào”.
Bao tiêu sản phẩm từ gốc là phương châm hoạt động của Cơ sở Giết mổ gia súc Huỳnh Thanh Liêm, ấp Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An. Anh Liêm - chủ cơ sở, cho biết: “Trước nhu cầu về thịt heo sạch, không tồn dư chất cấm của NTD, tôi quyết định đặt mua heo từ hơn 10 hộ chăn nuôi ở phường 4, 5, 6, 7, Khánh Hậu, Tân Khánh và xã Lợi Bình Nhơn. Giữa tôi và các hộ chăn nuôi cùng cam kết bao tiêu hết heo họ nuôi với điều kiện phải sản xuất an toàn trong chăn nuôi, ghi nhật ký chăn nuôi. Trong quá trình giết mổ, tôi không để xảy ra tình trạng bơm nước, tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ”.
Công suất của cơ sở giết mổ Huỳnh Thanh Liêm khoảng 80 con/đêm, trong đó, mỗi ngày, anh Liêm dành khoảng 4-6 con bán trực tiếp đến NTD ở chợ phường 2 - tại cửa hàng thịt Luốt Thường. Hiện tại, cơ sở giết mổ này được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản chọn làm điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm và cấp giấy chứng nhận chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.
Cửa hàng thịt heo Luốt Thường là 1 trong 4 điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi tại chợ phường 2, TP.Tân An
“Cung - cầu” chưa gặp nhau
Hiện nay, NTD có tâm lý muốn mua thực phẩm an toàn cho bữa ăn hàng ngày. Theo nhận định của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít cơ sở kinh doanh thực phẩm được kiểm soát an toàn theo chuỗi và nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch cho NTD. Điển hình như Long An là vùng sản xuất rau an toàn với trên 30 cơ sở sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP với diện tích khá lớn. Hầu hết các cơ sở, HTX rau an toàn cung ứng cho doanh nghiệp, đơn vị đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM. Trong khi đó, “cung - cầu” rau an toàn trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Với mong muốn cung cấp nguồn rau an toàn cho NTD, năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước phối hợp 2 hộ kinh doanh, HTX rau an toàn trên địa bàn thị trấn Cần Đước mở 2 điểm bán rau an toàn. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này không thành công, ít thu hút NTD.
Chị Đỗ Thanh Thủy - chủ Cửa hàng Hoa tươi Phúc Duyên, chia sẻ: “Trước đây, tôi dành một diện tích nhỏ ngay mặt tiền cửa hàng kinh doanh hoa, quả tươi để bán rau an toàn nhưng chỉ duy trì được thời gian ngắn. Trong quá trình kinh doanh, tôi thường gặp gỡ, tìm hiểu tâm lý NTD. Qua đó, NTD quan tâm, mong muốn được tiêu dùng thực phẩm an toàn trọn gói chứ không chỉ có rau. Vì vậy, cửa hàng chỉ bán rau an toàn không đủ thu hút NTD”. Ngoài cửa hàng do chị Thủy làm chủ ngưng bán rau an toàn, cửa hàng còn lại cũng ngưng bán.
Cửa hàng Rau an toàn Phước Hòa cam kết không tuồn hàng chợ
Còn chủ cửa hàng RAT Phước Hòa, anh Nguyễn Hùng Thanh nhận định: “Có 2 lý do để NTD chưa đến với cửa hàng rau an toàn. Đó là NTD còn so sánh về giá bán ra giữa rau an toàn và rau chợ, trong khi giá bán rau an toàn chênh lệch với giá rau chợ bình quân mỗi loại chỉ từ 1.000-4.000 đồng/kg. Lý do thứ hai là NTD còn thiếu thông tin, chưa có lòng tin đối với rau an toàn”. Đây cũng chính là nguyên nhân Long An có nhiều mô hình, HTX sản xuất rau an toàn được ngành chức năng chứng nhận nhưng khó tiêu thụ trong tỉnh. Chính lý do này mà nhiều đơn vị đứng ra tiêu thụ rau an toàn chỉ lo tập trung cung ứng cho doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ đầu mối tại TP.HCM, không mặn mà thị trường bán lẻ trong tỉnh, các chợ truyền thống hay chợ dành cho công nhân.
Anh Thanh cho rằng, lượng rau an toàn bán ra hàng ngày hiện nay khá ít so với thực tế của việc kinh doanh rau, củ, quả tại chợ phường 2. Để quảng bá cửa hàng rau an toàn của mình và mong muốn tăng lượng rau an toàn bán ra để bù lại các chi phí hàng ngày, thời gian qua, anh Thanh và nhân viên nhiều lần “gõ cửa” nhiều bếp ăn tập thể từ các doanh nghiệp đến trường học nhưng đều nhận những cái lắc đầu. Nguyên nhân bởi các đơn vị này có nguồn cung cấp trước đây và nhiều nơi chưa quan tâm đến việc sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Chị Đỗ Thanh Thủy cho rằng, tiêu dùng thực phẩm sạch được nhiều người quan tâm và có nhu cầu mua dùng cho bữa ăn hàng ngày. Để “cung - cầu” gặp nhau, các ngành chức năng nên tổ chức điểm bán hàng ngay tại các điểm có đông người như chợ, cửa hàng tiện lợi. Ở nơi này, NTD có thể mua được nhiều sản phẩm là thực phẩm an toàn cùng một lúc để chế biến món ăn hàng ngày cho gia đình, không phải chỉ 1-2 mặt hàng là sản phẩm an toàn.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp có nhiều nỗ lực trong khảo sát, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp chứng nhận chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn trên sản phẩm rau, thịt gà và heo. Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản - Nguyễn Văn Cường, sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các cơ sở, doanh nghiệp được kiểm soát theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” chưa nhiều. Ngoài ra, những đơn vị này còn gặp nhiều khó khăn ở khâu phân phối, lưu thông, quảng bá ra thị trường. Chính vì vậy, tại Long An có rất ít cơ sở kinh doanh thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi, đa phần thị trường tiêu thụ ở TP.HCM và việc tiếp cận thực phẩm an toàn của NTD trong tỉnh chưa thuận lợi.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết, để khắc phục tình trạng “cung - cầu” chưa gặp nhau của thực phẩm sạch, sở tiến hành kêu gọi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chọn vị trí thích hợp để mở điểm kinh doanh, cung cấp thực phẩm an toàn cho NTD. Vào ngày 05/02/2018, Công ty TNHH San Hà - Chi nhánh Long An sẽ khai trương cửa hàng thực phẩm an toàn tại chợ Cần Giuộc, cung cấp thịt gà, trứng, rau an toàn. Trong năm 2018, Sở Công Thương tiếp tục mời gọi doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xây dựng các điểm bán thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi tại mỗi huyện ít nhất một điểm và nhân rộng mô hình ra ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh để cung - cầu thực phẩm sạch gặp nhau./.
Mai Hương