Tiếng Việt | English

24/07/2019 - 21:05

Thương binh tàn nhưng không phế

Trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam với đôi chân không lành lặn nhưng thương binh Trần Văn Lèo (55 tuổi, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vẫn lạc quan và nuôi ý chí vươn lên trong cuộc sống. Gần như từ bàn tay trắng, người thương binh 1/4 vượt mọi khó khăn, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

Khi về lại Việt Nam điều trị vết thương và được lắp chân giả, ông Lèo nghĩ ngay đến việc phải đi làm để tự nuôi sống bản thân, quyết không làm gánh nặng cho ai. Ông tham gia lớp học may do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở nhưng đồng lương từ nghề may gia công ở huyện Bến Lức chỉ đủ sống, không có dư. Ông quyết định về quê làm ruộng. Dù công việc nặng nhọc, đi lại bất tiện nhưng ông tâm niệm, người ta cố gắng một thì mình phải cố gắng gấp đôi. Ông học hỏi những nông dân khác, tự rút kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp. Thời gian rảnh, ông dệt chiếu kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, gia đình ông còn được hỗ trợ 1 con bò giống. Từ đó, ông gầy dựng, phát triển đàn bò và duy trì đến nay.

Ông Lèo cho biết: "Có thêm thu nhập, tôi mua 2ha đất trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang mô hình xen canh 1 vụ lúa, 2 vụ màu và tận dụng đất xấu để trồng cỏ nuôi bò. Gia đình làm ăn ngày càng khấm khá, xây nhà khang trang. Hiện gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm".

Năm 2018, ông Lèo được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen vì là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông Lèo là tấm gương về nghị lực vươn lên của thương binh tàn nhưng không phế./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết