Tiếng Việt | English

07/10/2023 - 14:16

Thương hoài chiếc áo bà ba! 

Cùng với cây súng trên vai, áo bà ba từng theo các chị ra chiến trường trong những năm kháng chiến. Thời bình, áo bà ba đằm thắm, dịu dàng theo phụ nữ ra đồng, đến chợ,... và được chọn làm trang phục trong hoạt động quảng bá du lịch. Suốt chiều dài lịch sử, áo bà ba vẫn tồn tại, gắn bó với phụ nữ Nam bộ từ thời chiến đến lao động, sinh hoạt thường ngày như hiện nay.

Ảnh Nguyễn Nam

Theo Nguyễn Thị Thanh Trúc (ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa), “Lá dừa nước cũng là sản vật của vùng sông nước miền Tây nên chỉ có áo bà ba mới chuyển tải hết cái đẹp chân chất, mộc mạc, gần gũi của những sản phẩm từ lá dừa và nghệ thuật xếp lá dừa”

Những ngày còn nhỏ, em Nguyễn Thị Thanh Trúc (ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã yêu thích áo bà ba nên được mẹ may cho vài chiếc. Mỗi lần mặc áo bà ba, chơi cùng các bạn đồng trang lứa gần nhà, Trúc lại thắt thêm cào cào, cá, hoa bằng lá dừa. Đó là niềm vui thuở nhỏ, ký ức hồn nhiên Trúc mang theo đến lớn. Những năm tháng học đại học, mỗi lần thấy bạn bè ngồi xếp và bán đồ chơi bằng lá dừa trong bộ bà ba, ký ức tuổi thơ của em lại ùa về. Vì thế, khi trường thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật xếp lá dừa dân gian, Trúc chẳng chần chừ mà quyết định tham gia ngay. Cơ duyên này giúp Trúc được cùng thành viên câu lạc bộ “lê la” khắp các lễ hội để làm, bán và quảng bá những sản phẩm xếp từ lá dừa.

Ảnh Nguyễn Nam

Trong những sự kiện ấy, các em nhỏ, nhiều du khách không chỉ mê mẩn trước những chiếc máy bay, con cá,... làm từ lá dừa mà còn ấn tượng với cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn trong chiếc áo bà ba, ngồi xếp và sẵn sàng sẻ chia về nghệ thuật xếp lá dừa. Những sự kiện như thế, thay vì chọn trang phục năng động, trẻ trung, Trúc vẫn “trung thành” với chiếc áo bà ba. Vì theo Trúc, hình ảnh lá dừa thường gắn liền với chiếc áo bà ba. Lá dừa nước cũng là sản vật của vùng sông nước miền Tây nên chỉ có áo bà ba mới chuyển tải hết cái đẹp chân chất, mộc mạc, gần gũi của những sản phẩm từ lá dừa và nghệ thuật xếp lá dừa. “Mỗi lần tham gia sự kiện nghệ thuật xếp lá dừa, tôi cảm thấy vui và tự hào là một người con Nam bộ, mê lá dừa và thích mặc áo bà ba” - Trúc bày tỏ.

Áo bà ba gắn liền với phụ nữ Nam bộ, nhất là ở vùng nông thôn như một nét riêng vừa bình dị, vừa chân quê. Chiếc áo thân thương, nền nã tôn lên nét đẹp đôn hậu, dịu dàng nhưng rất đỗi kiên cường của phụ nữ miền sông nước phương Nam. Đó là những nữ du kích, giao liên trong chiếc áo bà ba đen, quấn khăn rằn, đầu đội nón tai bèo, tay ôm súng xông pha ra tiền tuyến đã trở thành hình tượng bất tử:

Xuồng ai đó, bơi trong lau lách

Áo bà ba, súng nách, tay chèo 

(Có thể nào bình yên - Tố Hữu)

Hay đó là những cô gái đồng bằng sông Cửu Long Áo bà ba, súng quàng vai hôm sớm ra đi. Mái tóc xanh quyện hương trái ngọt… Đẹp thay tuổi xuân con gái quê tôi đang cùng toàn dân viết đẹp những bản anh hùng ca…

Mãnh liệt trong đấu tranh chống ngoại xâm nhưng khi đất nước thanh bình, áo bà ba lại đi vào sinh hoạt, lao động với nét đằm thắm, dịu dàng, mộc mạc, thân thương. Sáng sáng, chiều chiều, áo bà ba theo các chị ra chợ, ra đồng,... như trong câu hát Thương áo bà ba của Đình Văn: Áo bà ba em mặc ra đồng. Áo bà ba em mặc đưa đò… Áo bà ba tình quê sao đậm đà, màu áo vàng, em gặt lúa đồng xa, màu thiên thanh gặp anh chiều hẹn hò, màu hoa cà em nói đợi người thương…

Ảnh Nguyễn Nam

Ảnh Nguyễn Nam

Ở nông thôn, trong các dịp giỗ, cưới, liên hoan,... nhiều phụ nữ vẫn chọn trang phục áo bà ba khi đi dự. Bà Nguyễn Thị Vân (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Tôi từng tham gia kháng chiến, từng gắn bó với chiếc áo bà ba trong những ngày làm giao liên. Vì vậy, áo bà ba vừa gắn liền với kỷ niệm thời trẻ, vừa là sở thích. Những lần họp mặt đồng đội năm xưa hay khi đi dự tiệc, tôi đều mặc áo bà ba như một thói quen”.

Áo bà ba không chỉ gắn liền với sinh hoạt đời thường mà còn là hình ảnh quen thuộc trong hoạt động du lịch. Tại những khu du lịch sinh thái, miệt vườn ở miền Tây sông nước, hình ảnh cô gái thuyết minh hay những tài tử đờn, ca duyên dáng trong chiếc áo bà ba đã trở nên quen thuộc. Áo bà ba khi ấy càng toát lên vẻ đẹp, tính cách hào sảng, phóng khoáng, đôn hậu, chất phác của người Nam bộ và cảnh nên thơ, bình yên, hữu tình của vùng sông nước. Đặc biệt, trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022, top 25 Hoa khôi sông Vàm vô cùng duyên dáng trong chiếc áo bà ba quảng bá du lịch Long An. Điều này tạo nên điểm nhấn, vừa giới thiệu với du khách về những điểm đến hấp dẫn, vừa tôn vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết của phụ nữ.

Những cô thôn nữ đằm thắm với chiếc áo bà ba như một nét duyên quê rất đỗi mộc mạc, thân thương

Những cô thôn nữ đằm thắm với chiếc áo bà ba như một nét duyên quê rất đỗi mộc mạc, thân thương

Những cô thôn nữ đằm thắm với chiếc áo bà ba như một nét duyên quê vẫn trường tồn theo năm tháng. Những miền quê ấy càng trở nên yên bình, đáng sống khi còn đó những cô gái “nặng lòng” với áo bà ba. Họ gắn bó với chiếc áo truyền thống như giữ lại một nét văn hóa riêng trong đời sống của người dân nông thôn Nam bộ, giữ lại chút chân quê, mộc mạc giữa nhiều điều mới mẻ, hiện đại. Và trải bao năm tháng, áo bà ba từ đơn điệu chỉ có màu nâu, đen trong thời chiến, nay được cách tân với nhiều sắc màu. Áo bà ba ngày xưa dáng rộng, còn ngày nay được chít eo, vừa vặn, càng tôn thêm nét đẹp của người phụ nữ. Dù được cách điệu với cổ tim, sen, tròn,... nhưng áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đằm thắm, dịu dàng. Nhắc đến áo bà ba lại nghĩ ngay đến những phụ nữ thôn quê chân chất, thật thà. Áo bà ba vì thế mà giản dị nhưng đậm tình quê.

Không kiêu sa, đài các như áo dài, không cầu kỳ như áo tứ thân, áo bà ba mang vẻ đẹp giản đơn nhưng không kém phần nền nã, thanh thoát. Trang phục truyền thống ấy vừa là nét đẹp, vừa là nét văn hóa riêng. Để rồi, biết bao người Một lần thương là thương đến trọn đời. Tôi vẫn thương hoài chiếc áo bà ba./.

Hà Vân

Chia sẻ bài viết