Bà Phượng bên vườn thanh long chưa bán được
Thương lái bỏ cọc, ngừng mua hoặc mua giá rẻ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ngụ phường 7, TP.Tân An, cùng người chị trồng 5.000m2 thanh long. Vụ trước, thanh long có giá từ 35.000-45.000 đồng/kg, bà Phượng lãi khoảng 100 triệu đồng. Vụ này, thanh long đã chín đỏ, chờ thu hoạch, nhưng chủ vườn vẫn neo trái lại chờ thương lái đến mua. “Cách đây vài hôm, thương lái đã hợp đồng trước đây chỉ đến trả cho tôi 5.000 đồng/kg, nói là bồi thường nhưng không nhận thanh long nữa vì Trung Quốc đóng cửa khẩu do dịch bệnh” - bà Phượng buồn bã kể. Theo bà, năm nay vườn thanh long cho năng suất tốt, đạt 8-9 tấn trái/ha, tính hết chi phí, bà lỗ trên 100 triệu đồng.
Theo người dân, khi thanh long chín đồng loạt, chỉ có thể neo lại vườn tối đa 5 ngày đến 1 tuần lễ, quá thời gian trên, trái sẽ bị nứt, hư. Nhiều nông dân như bà Phượng, ông Lý cho biết, nếu địa phương không có chính sách hỗ trợ mới, họ đành phải tốn thêm tiền thuê nhân công cắt bỏ trái để ủ phân hoặc cho cá, bò ăn để dưỡng cây cho vụ sau.
Cố gắng mua hết thanh long của người dân
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long - Huỳnh Thái Thanh cho biết, xã có 1.300ha thanh long chủ yếu là ruột đỏ, hiện khoảng 100ha đang cho trái nghịch mùa. Địa phương có tổng cộng 18 kho thu mua, nhưng đến nay chỉ vài kho mở cửa. “Hiện tại thương lái địa phương thu mua thanh long ruột đỏ bán trong nước với giá từ 7.000-10.000 đồng/kg trở lại, giá như thế này thì nông dân chắc chắn thua lỗ” - ông Thanh cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình thông tin, địa phương vừa họp với ngành Công Thương và Hiệp hội Thanh long Long An liên quan đến tình trạng thanh long chậm tiêu thụ. Toàn huyện có 9.000ha thanh long, hiện khoảng 1.000ha trái vụ đang vào mùa thu hoạch. Theo lý giải của thương lái, do việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh do nCoV, nên họ ngưng thua mua để tránh rủi ro. Sau khi họp, địa phương đã chỉ đạo các ngành làm việc các nhà kho với tinh thần là cố gắng thu mua hết thanh long đang chín của nông dân.
“Thứ nhất, với các kho đã nhận tiền cọc phải thu mua hết thanh long cho người dân với giá thỏa thuận, có thể hạ giá xuống so với thời điểm trước nhưng phải thu hoạch hết vườn. Với các hộ chưa bán, huyện cũng yêu cầu các kho đến thu mua, kho nào chưa có tiền mua thì cho mua nợ, làm giấy cam kết, có thể nửa tháng, một tháng sau trả” - ông Thình nói. Toàn tỉnh hiện có 12.000ha thanh long, thời điểm này đang thu hoạch nghịch mùa khoảng trên 1.000ha.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức thông tin, sau tết, cửa khẩu Trung Quốc theo lịch sẽ mở từ ngày mùng 7 tết, nhưng dịch bệnh do nCoV nên phải lùi lại đến ngày 16 âm lịch, nên một số thương lái cảm thấy lo ngại. “Hiện sở vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ Bộ Công Thương về việc dừng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, vì vậy người dân không nên quá hoang mang” - ông Đức nói. Ngành công thương cũng chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất, nếu không xuất khẩu được, sẽ tính đến phương án tiêu thụ thị trường nội địa.
Tại cuộc họp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sau khi nghe Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức thông tin về tình hình tiêu thụ thanh long gặp khó do dịch bệnh nCoV, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chỉ đạo, các ngành liên quan cần có giải pháp hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện để thanh long của người dân có nơi tiêu thụ trong giai đoạn dịch bệnh nCoV. Sở Công Thương tiếp tục làm việc với các địa phương có diện tích trồng thanh long, các ngành liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn, tránh để xảy ra tình trạng người dân hoang mang, lo lắng về việc tiêu thụ hàng nông sản, nhất là cây thanh long./.
Song Nhi