Tiếng Việt | English

16/10/2020 - 13:50

Thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân

Hạ tầng thương mại trong tỉnh Long An phát triển mạnh mẽ, các chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Người dân mua sắm tại cửa hàng San Hà Foodstore

Người dân mua sắm tại cửa hàng San Hà Foodstore

Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Thông tin từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 133 chợ (18 chợ do tư nhân đầu tư), trong đó có 107 chợ nông thôn. Ngoài hệ thống chợ, tỉnh còn có 4 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 3 siêu thị điện máy, 1 trung tâm thương mại và gần 150 cửa hàng tiện ích. Giai đoạn 2016-2020, thị trường hàng hóa tiêu dùng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, các chủng loại hàng hóa phong phú, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn này ước đạt 432.383 tỉ đồng, trong đó năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 92.654 tỉ đồng. Ước mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 13,6%/năm. Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, tăng trưởng cao của ngành thương mại - dịch vụ phản ánh mức sống của người dân được nâng lên, đời sống xã hội ổn định.

Chị Trần Ngọc Sương (phường 2, TP.Tân An) chia sẻ, thời gian gần đây, các cửa hàng tiện ích phát triển nhiều, các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, mực, rau, củ, quả,... được bán suốt cả ngày và khá tươi ngon. Vì vậy, chị không cần phải tích trữ thực phẩm như trước. Ngoài các loại thực phẩm dành cho chế biến món ăn, các cửa hàng tiện ích cũng cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Còn chị Trần Bích Ngọc (khu phố 3, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) nhận xét, mua sắm thực phẩm, nhất là ở cửa hàng tiện ích như San Hà Foodstore hay Vinmart+ cảm thấy an tâm hơn vì hàng hóa có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tại đây, hàng hóa được bố trí khoa học, không khác so với siêu thị nên người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn lựa.

Có thể thấy, tâm lý và thói quen tiêu dùng như chị Ngọc Sương, chị Bích Ngọc đang là xu hướng của không ít người do tính tiện lợi mà các cửa hàng tiện ích mang lại. Vì vậy, mô hình thương mại hiện đại đang phát triển mạnh, đan xen tại nhiều khu dân cư tại TP.Tân An, huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc,…Điển hình là hệ thống San Hà Foodstore, sau một thời gian ngắn xây dựng thương hiệu và phát triển, đến nay có 7 cửa hàng hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Theo Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH San Hà (đơn vị đầu tư cửa hàng San Hà Foodstore) - Phạm Thị Ngọc Hà, hiện Cty tập trung phát triển thêm một số cửa hàng tại các huyện như Bến Lức, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa,… Các cửa hàng này dự kiến đi vào hoạt động kinh doanh trước Tết Nguyên đán năm 2021. San Hà Foodstore có hơn 2.000 sản phẩm các loại, trong đó nhiều mặt hàng nông sản chủ lực được sản xuất và chế biến tại tỉnh Long An như gạo sạch, sản phẩm chế biến gia vị, các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, San Hà Foodstore còn cung cấp các mặt hàng thế mạnh là thực phẩm tươi sống, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.

Mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng

Những năm gần đây, ngoài việc đón nhận các DN thương mại đầu tư xây dựng chợ, cửa hàng tiện ích, tỉnh còn thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như Masan, Ba Huân, San Hà trong việc đầu tư dây chuyền chế biến thịt với quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Đầu tháng 10/2020, Tập đoàn Masan đưa vào hoạt động Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn có tổng diện tích hơn 20ha, công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm, tổng số vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng tại Khu công nghiệp Tân Đức.

Ở giai đoạn 1, tổ hợp có quy mô 155.000 tấn sản phẩm thịt mát và thịt chế biến từ thịt mát. Thịt mát MEATDeli áp dụng hệ thống kiểm soát “3 tuyến kiểm dịch” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho miếng thịt khi đến tay người sử dụng.

Ở giai đoạn 1, tổ hợp cung cấp thịt mát với sản lượng 140.000 tấn/năm và thịt chế biến từ thịt mát như giò lụa, giò thủ, chà bông và các sản phẩm khác với sản lượng 15.000 tấn/năm. Ở giai đoạn 2, tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến lên 25.000 tấn/năm; đồng thời, ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như bột huyết, huyết tương, collagen, bột thịt xương,… với quy mô 14.000 tấn/năm.

Tổng Giám đốc Masan MEATLife - Phạm Trung Lâm cho biết: Cty kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng, giá cả hợp lý và truy xuất được nguồn gốc.

Cty San Hà đang tập trung đầu tư chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm khép kín, từ hệ thống trang trại đến nhà máy sản xuất; tập trung phân phối đến chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện ích nhằm phục vụ sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, San Hà còn tham gia chương trình bình ổn thị trường, phục vụ với giá tốt nhất để ngày càng nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.

Theo nhận định, thương mại nội địa đang trở thành động lực tăng trưởng của ngành Công Thương Long An. Các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn đã tận dụng khai thác tốt hơn thị trường trong nước, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo hướng bền vững. Hiện quy mô thị trường ngày càng được mở rộng, theo kế hoạch của ngành Công thương trong nhiệm kỳ 2020-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 12,5-13%/năm.

Hiện nay, chính quyền tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các hình thức kinh doanh hiện đại, chợ đầu mối, bảo đảm lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích