Tiếng Việt | English

08/09/2016 - 18:55

Thương tiếc anh hùng chân đất "Ba Đất phèn"

Dù 67 tuổi đời, ông vẫn có thân hình chắc nịch, đen trũi và luôn nhanh nhẹn, hoạt động đầy năng lượng, mà đùng một cái, ông đã ra đi...

Tin Dược sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bé, biệt danh Ba Đất phèn đột ngột qua đời khiến cho người viết - vốn từng đến với ông hàng chục lần trong những năm ông và các đồng sự còn phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tạo ra một diện mạo đúng với tên gọi của nó: Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) - tầm cỡ một làng khoa học và một khu du lịch sinh thái - bàng hoàng và thương tiếc.


Ông Ba Đất phèn trong một lần đưa các nhà báo đi tham quan toàn khu Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười để viết bài quảng bá du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long

Bởi, dù đã 67 tuổi đời, ông vẫn có thân hình chắc nịch, đen trũi và luôn nhanh nhẹn, hoạt động đầy năng lượng, mà đùng một cái, ông đã ra đi...

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An - Đỗ Thanh Bình dự tính sẽ viết sách Long An Nhân vật chí, trong đó, ông sẽ phác thảo chân dung nhà khoa học đi chân đất này.

Từ một cậu bé chăn trâu thuê, 15 tuổi đã theo các chú, các anh vào bưng biền kháng chiến. Trong chiến khu, Nguyễn Văn Bé vẫn miệt mài học chữ do các chú, các anh chỉ dạy. 18 tuổi, Nguyễn Văn Bé chính thức đứng vào hàng ngũ Giải phóng quân hoạt động trên vùng Đồng Tháp Mười, đứng chân lâu ở địa bàn huyện Mộc Hóa, xã Bình Phong Thạnh. Trong một trận đánh với địch, anh bị thương rất nặng, phải chuyển ra Bắc điều trị.

Thời gian ở Bắc, anh miệt mài học tập đến hết cấp III. Sau 30/4/1975, anh thương binh Nguyễn Văn Bé trở về miền Nam và thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tốt nghiệp thủ khoa, anh được trường giữ lại làm giảng viên nhưng sau đó gần 2 năm, anh xin về Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) học và làm thầy thuốc rắn.

Một thời gian sau, anh chuyển về Xí nghiệp Tinh dầu tràm Mộc Hóa (Long An) để tham gia sản xuất tinh dầu tràm xuất khẩu sang các nước XHCN Đông Âu cho tới khi khối XHCN Đông Âu tan rã, mất thị trường, Dược sĩ Bé được Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Duy Cương phân công về vùng căn cứ kháng chiến cũ Bình Phong Thạnh xây dựng vùng cây dược liệu. Sau này, GS.TS.VS Nguyễn Duy Cương viết trên Tạp chí Sức khỏe & Đời sống, đánh giá rất cao về người dược sĩ rất chịu lăn lộn trường đời này bằng một ý chí kiên cường, bền bỉ vượt qua gian khổ để giành cho được thắng lợi.

Biệt danh “Ba Đất phèn” đã vận vào cuộc đời ông trên vùng đất bưng trũng Bình Phong Thạnh chua phèn đậm đặc. Và ông đã dành trọn tuổi 30 cho vùng đất mà có nhà khoa học phương Tây tới khảo sát, đánh giá “phải mất hàng triệu USD mới cải tạo nổi 1ha đất này”, mà ông Ba đất phèn thì chỉ có đôi tay trắng.

Ông cùng các cộng sự chân đất, tay không, ngày đêm không quản sức “cày”, xoay cho ra nguồn lực để hình thành hệ thống kênh, mương cho hơn 2.000ha đất ban đầu được UBND huyện Mộc Hóa lúc đó giao cho, để rồi ra đời Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.

Nhưng rồi sau đó, ông phải cắt đôi số diện tích đất đã thành khoảnh, thành khu chức năng theo quy hoạch ấy để tỉnh giao cho số hộ dân đi xây dựng kinh tế mới. Phần còn lại của Trung tâm vỏn vẹn 1.010ha, trong đó, quý nhất là 800ha rừng tràm gió nguyên sinh được xem là vùng nguyên liệu chủ lực để chế xuất tinh dầu tràm, một trong những sản phẩm chủ lực ở đây. Đặc biệt là nhiều giống cây dược liệu quý hiếm được di thực từ nhiều nơi trong nước và nước ngoài về trồng ở đây đều phát triển rất tốt. Trung tâm còn là khu bảo tồn nguồn gen động thực vật đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười.


Một góc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.  Ảnh: Internet

Ngày nay, khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan vùng đất phèn hoang sơ từ bao đời trước mang tên Bình Phong Thạnh là đến với một trung tâm nghiên cứu khoa học và bào chế dược liệu với những dãy nhà xưởng đồ sộ mang tầm hiện đại; đến với một khu bảo tồn tính có đa dạng sinh học, một địa chỉ du lịch sinh thái tạo nhiều cảm xúc về thiên nhiên và môi trường trong lành, để được sống trong cảm giác lâng lâng, khoan khoái tâm hồn khi tắm mình trong không gian đầy tiếng chim kêu hót và các loại cây dược liệu xanh ngồn ngộn tràn đầy dưỡng khí,...

Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp khoa học cùng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, sự tôn vinh và mãi khắc ghi công trạng của người hùng chân đất. Yên nghỉ thanh thản trên vùng đất Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười mà ông đã dày công đóng góp bằng cả con tim, khối ốc và sức lực của mình để gầy dựng nên, ông "Ba Đất phèn" nhé!

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết