Từ khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Hơn 20 năm trước, một ông luật sư ở TP.HCM - từng làm phóng viên cho một hãng thông tấn nước ngoài, có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới, rất mê DL - có hỏi tôi: Long An có gì cho DL? Tôi đã “quảng cáo” hình ảnh các loại hình DL Long An mà tôi biết được. Ông bảo: Chỉ nên chọn loại hình DL nào mà các nơi khác chưa có. Trên thế giới, nhiều đại gia và giới nhà giàu hưởng thụ quá nhiều tiện nghi của nền văn minh hiện đại, sinh nhàm chán, nên họ thích đi những nơi còn hoang dã - hoang đảo hay hang động như thời tiền sử càng tốt - để khám phá và trải nghiệm. Tôi đã đưa ông đi khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, khi về ông nói chỗ đó du lịch sinh thái (DLST) được. Cần có chỗ nghỉ - nhà chòi có vẻ hoang dã, gần với thiên nhiên càng hay - hoặc mắc võng dưới bóng cây trên các bờ kênh cho du khách (DK) nằm nghe chim hót, cu gáy, cá quẫy… có thêm chỗ câu cá, cất vó bắt tôm cá, xuồng cho DK chèo (xuồng máy gây tiếng động, chim cò bay hết). Có thể thêm các kiểu đánh bắt, làm bếp ăn hoang dã trên bãi cỏ, bờ kênh cho DK cùng tham gia nấu nướng và thưởng thức tại chỗ. Ông cũng bảo Láng Sen cần quy hoạch từng khu đặc thù, đầu tư thật đồng bộ để thu hút DK.
Trong lần nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm khu Láng Sen, lãnh đạo khu Láng Sen có chiếu phóng sự khá chi tiết về tính đa dạng sinh học của khu đất ngập nước này. Ông Út Thích, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Hưng, kể: thời chống Mỹ, ông và các đồng chí trong Huyện ủy sống sót được là nhờ Láng Sen. Gạo thì có lúa ma, giống lúa mọc tự nhiên, mỗi năm cho một mùa kéo dài hơn 6 tháng, hạt gạo nhỏ, dài, rất ngon cơm. Thức ăn thì đủ các giống cá, tôm, rùa, rắn, lươn, ếch, cua, ốc,… và rau rừng mọc hoang tràn đầy. “Hễ trực thăng Mỹ quần trên đầu là tụi tui lủi vô các đám tràm, trên trực thăng nhìn xuống đâu có thấy”, ông Út Thích nói. Nhiều lần trực thăng rà sát mặt nước, gió từ cánh quạt trực thăng hất tung lá sen lên, mình hụp xuống nước “nó” cũng không thấy. Sống ở Láng Sen mấy năm địch đánh phá ác liệt mà ông và đồng đội vẫn an toàn. Một cán bộ ở Văn phòng Huyện ủy Tân Hưng kể, hôm đưa đoàn Văn phòng Trung ương Đảng đến tham quan Láng Sen, ông có câu biểu diễn, kéo lên một con cá lóc bông cân nặng 12kg khiến ai nấy đều trầm trồ. Tiềm năng DL khu bảo tồn cần được đánh thức, khai thác hiệu quả.
Đến Làng nổi Tân Lập
Hơn 10 năm trước, tại lễ khởi công dự án khu DLST Làng nổi Tân Lập, có thông tin: “Làng nổi” sẽ tái tạo các góc cạnh của Đồng Tháp Mười (ĐTM)nguyên thủy, xây dựng khu nghỉ dưỡng với các kiểu “nhà nổi” nghỉ mát, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, có chỗ vui chơi, giải trí trên mặt nước,… Rồi cách nay hơn 2 năm, tôi có đưa một đoàn 7 DK Nhật Bản đến đây. Ông Tám Việt phụ trách “Làng nổi” lúc đó đã tự tay lái xuồng máy đưa khách đi tham quan trên các xẻo trong rừng tràm và lên tháp cao xem chim cò. Tôi tưởng chim cò bay “mát trời” như ở khu DLST Xẻo Quít (Đồng Tháp). Nhưng ở đây thì không, chỉ có rừng tràm trải một màu đơn điệu. Hỏi, ông Tám Việt nói tại “ở trên” bảo cho một hãng phim mượn chỗ làm phim trường. Họ mượn gần một năm, dựng cảnh bộc phá nổ rầm trời và cảnh khói lửa mù mịt nên chim cò bay đi hết. Ông còn bảo chắc một thời gian nữa chim cò về lại. Ra về, mấy DK Nhật có vẻ… uể oải.
Lại nhớ, cách nay không lâu tôi đi cùng đoàn tham quan do Trung tâm Xúc tiến DL Long An chủ trì với sự tham dự của một số công ty DL ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đến Làng cổ Phước Lộc Thọ với vài chục nhà mà chẳng nhà nào có lý lịch, có bản giải thích các bức liễn đối, đồ thờ tự, đồ trang trí nội thất, thậm chí hướng dẫn viên cũng không thuyết trình cho DK rõ xuất xứ nhà cổ từ đâu ra (như nhà cổ Nam bộ ở khu DLST Mỹ Khánh (Cần Thơ) đã làm). Xem rồi có người nói bây giờ đồ cổ giả nhiều lắm! Rời Làng cổ, đoàn đi Làng nổi Tân Lập chỉ thấy rừng tràm, sen,… không có gì độc đáo so các nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long nên ai cũng nhàm. Lần nữa đi với đoàn Chi hội Văn học của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Long An đến Làng nổi tìm cảm hứng sáng tác, mỗi người một cần câu, ai nấy kiên nhẫn ngồi câu tới chiều tối mà chẳng ai câu được con cá nào!
Qua Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển dược Liệu ĐTM
Lại nhớ lần đi Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn, phát triển dược liệu ĐTM (gọi tắt: Trung tâm) với một anh bạn. Trong lúc tôi vào gặp Giám đốc Trung tâm, anh bạn biến đâu mất. 2 giờ sau tôi ra về thì anh bạn lù lù xuất hiện với cái thùng thiếc to, nặng trĩu, đầy ắp cá lóc.“Mình lén ra một ao sen câu chơi, ai dè cá ăn giựt mỏi tay luôn!”, anh bạn khoái trá khoe!
Chỗ Trung tâm cũng hay, nhưng… ông Nguyễn Văn Bé, biệt danh Ba đất phèn - Giám đốc Trung tâm - nhiều lần nói với tôi: “Long An chưa phải là điểm đến, mà mới là điểm dừng chân của các đoàn DL thôi”. Theo ông, DL Long An nên chọn mùa nước nổi. Mùa này ĐTM rực rỡ các loài hoa đồng, cỏ nội. Dân các tỉnh miền Tây hay đến mưu sinh với đủ kiểu đánh bắt cá tôm. DK có thể tham gia các trò vui như: Săn chuột, đặt lọp, câu cá,… trên đồng nước. Hễ họ săn bắt được con gì thì gom lên gò, nổi lửa nướng, hái rau rừng trên đồng - tổ chức ẩm thực kiểu hoang dã,… Nghe ông Ba đất phèn nói cũng hay, song loại hình DLST theo thời vụ này ở tỉnh Đồng Tháp họ đã đi trước 10 bước rồi, mình đi sau họ, theo sao cho kịp!
Trung tâm của ông Bé có hệ sinh thái rừng ngập nước như ở Láng Sen và có hơn 800ha rừng tràm nguyên sinh là nguồn dược liệu quý, ong mật làm tổ quanh năm. Trung tâm có nuôi một số động vật hoang dã quý hiếm, có một khu sưu tập cây cỏ dược liệu, một nhà máy khá hiện đại chế biến các loại thuốc bổ và chữa bệnh từ nguồn dược liệu tại chỗ. Tôi từng được ông Bé đưa lên tháp cao xem chim cò bay đông đặc trên các thảm thực vật ở Trung tâm. Thật là một địa chỉ lý thú cho DLST đất Chín Rồng. Tuy nhiên, một cán bộ Trung tâm Xúc tiến DL Long An nói: Trung tâm là của Trung tâm, khách DL vào đó phải tốn nhiều tiền. Chi phí ăn, nghỉ qua đêm, trung tâm tính giá quá mắc. Rất mong Trung tâm có sự điều chỉnh hợp lý để tồn tại lâu bền.../.
(còn tiếp)
Quang Hảo