Tiếng Việt | English

23/07/2019 - 14:41

Tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc-xin sởi để tạo miễn dịch cộng đồng

Trong những tuần đầu của năm 2019, dịch bệnh sởi có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trên thế giới. Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc-xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng dành cho phóng viên (PV) cuộc trao đổi về bệnh sởi.

Tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ

Tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ

PV: Xin BS cho biết thế nào là bệnh sởi?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây ra. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng.

PV: BS có thể nói rõ hơn về biểu hiện của bệnh sởi?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Trong vòng 7 đến 21 ngày sau tiếp xúc với vi-rút sởi, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, cơ thể phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình đến tay, chân. Ban biến mất cũng theo trình tự như vậy. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng.

PV: Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh sởi hầu hết có thể tự khỏi nhưng một số trường hợp có thể gây ra một số biến chứng. Trẻ mắc sởi có thể suy giảm hệ miễn dịch nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não tủy cấp. Đặc biệt, các trường hợp nhập viện cũng có thể gây ra biến chứng, hay gặp nhất là viêm phế quản, viêm phế quản - phổi bội nhiễm. Bệnh sởi có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp biến chứng nặng, nhất là với các trường hợp bệnh nhi có sẵn bệnh lý nền mãn tính khác như tim bẩm sinh hay suy giảm miễn dịch,...

PV: Bệnh sởi lây truyền qua đường nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra khi ho, hắt hơi được khuếch tán trong không khí hoặc do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7-18 ngày, trung bình 10 ngày. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4-5 ngày trước đến 4-5 ngày sau phát ban. Vi-rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.

PV: Theo BS, những nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng trong thời gian gần đây là gì?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nguyên nhân dịch sởi xuất hiện và bùng phát là theo chu kỳ khoảng 4-5 năm, dịch bệnh sởi có thể xảy ra. Hàng năm, số trẻ không tiêm hoặc tiêm không đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi sẽ tích lũy tạo thành một khoảng trống miễn dịch làm vi-rút sởi có điều kiện thuận lợi lan truyền trong cộng đồng. Lúc đó, người lớn và trẻ nhỏ chưa mắc sởi hoặc tiêm chủng không đầy đủ sẽ có nguy cơ mắc bệnh và dịch sởi sẽ bùng phát. Năm 2014 là năm gần nhất có dịch sởi nên cuối năm 2018 và đầu năm 2019, dịch sởi sẽ quay trở lại.

Mặt khác, với thời tiết độ ẩm cao rất thuận lợi cho vi-rút gây bệnh lây qua đường hô hấp và bệnh sởi dễ tồn tại, phát triển. Hơn nữa, khi tụ tập đông người cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh lây từ người này sang người khác.

PV: Tại sao một người phải tiêm 2 liều vắc-xin sởi?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vắc-xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi thì chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc-xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố như còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm,...

Do đó, việc tiêm vắc-xin sởi mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất, từ đó tăng trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc duy trì tiêm 2 mũi vắc-xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.

PV: Thưa BS, có một số bạn đọc thắc mắc rằng, tại sao vừa mới tiêm ngừa sởi thì lại mắc bệnh sau đó?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Đây là điều có thể xảy ra. Bởi sau khi tiêm, vắc-xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi-rút sởi. Vi-rút sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc-xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trước đó 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vắc-xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.

Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi của người được tiêm vắc-xin, loại vắc-xin và tùy thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vắc-xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng. Cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%.

PV: BS có thể cho biết cách phòng bệnh sởi hiệu quả?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp chủ động tốt nhất phòng bệnh sởi. Người dân cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi, người lớn chưa bị mắc bệnh sởi hoặc phụ nữ mang thai cần được tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella càng sớm càng tốt.

Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

Khi có ca mắc sởi, phụ huynh không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, bảo đảm vệ sinh nhà ở, thân thể trẻ và tăng cường sức đề kháng cho trẻ,... Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.

Ngoài ra, người dân lưu ý không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết nhằm tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện vì dễ khiến trẻ mắc thêm các bệnh khác.

Người lớn cũng cần được tiêm ngừa bệnh sởi nếu chưa có miễn dịch

Người lớn cũng cần được tiêm ngừa bệnh sởi nếu chưa có miễn dịch

PV: Tình hình mắc bệnh sởi ở Long An đang ở mức nào so với số ca mắc của các tỉnh, thành khu vực phía Nam, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Hiện dịch bệnh có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tại Long An, tính đến cuối tháng 6/2019 đã ghi nhận 536 trường hợp nghi sởi, trong đó có 27 ca mắc sởi dương tính được xác định. Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại các địa phương nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Điều đáng nói, có trên 80% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng do mất sổ tiêm chủng.

Dự báo thời gian tới, dịch sởi có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới tại các địa phương do trẻ không được tiêm chủng hoặc không tiêm chủng đầy đủ nên nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh./.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình(thực hiện) 

Chia sẻ bài viết