Tiếng Việt | English

31/05/2021 - 14:35

Tiếng loa xã, phường “xung kích” phòng, chống dịch

Cùng với nhiều hình thức tuyên truyền, hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương đã phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cán bộ truyền thanh xã Thạnh Đức - Nguyễn Lê Duy tuyên truyền phòng, chống dịch bằng hình thức lưu động

Cán bộ truyền thanh xã Thạnh Đức - Nguyễn Lê Duy tuyên truyền phòng, chống dịch bằng hình thức lưu động

Tiếng nói thân quen

Hơn 1 năm qua, những thông tin cập nhật thường xuyên về tình hình dịch Covid-19 trong và ngoài nước được phát liên tục qua cụm loa gắn ở một tuyến đường trong xóm ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Giọng đọc của phát thanh viên vẫn hàng ngày vang lên nhắc nhở người dân mang khẩu trang, thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế và không chủ quan với dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Vân, bán cửa hàng tạp hóa ở gần đó, hàng ngày đều chú ý thông tin về dịch bệnh phát ra từ cụm loa. Từ đó, khi có những khách hàng không mang khẩu trang, chị khéo léo nhắc nhở. “Thời gian qua, đọc trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều thông tin về dịch Covid-19. Thế nhưng, có những thông tin lại rất mập mờ, thậm chí có cả tin giả. Vì vậy, những thông tin chính thống qua hệ thống truyền thanh rất bổ ích để người dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh” - chị Vân chia sẻ.

Mỹ Quý Đông là xã biên giới của huyện Đức Huệ, 6 ấp của xã đều được trang bị 12 cụm loa để truyền tải các thông tin đến người dân. Để bảo đảm hoạt động tốt, đơn vị phụ trách thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Đông - Trương Thị Thu Trang chia sẻ “Hệ thống loa truyền thanh góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Với công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống loa phát thanh đã giúp người dân nắm thông tin, qua đó nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới”.

Để bảo đảm thông tin tuyên truyền đến tận các xã, ấp, tổ truyền thanh của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ phân công nhiệm vụ, trực bảo đảm xử lý nhanh chóng, kịp thời thông tin về diễn biến và công tác phòng, chống dịch. Ngoài 2 chương trình phát thanh quen thuộc sáng và chiều thì vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị tăng cường các khung giờ, thời lượng tuyên truyền, cập nhật nhanh những chỉ đạo, khuyến cáo của Trung ương, địa phương về phòng, chống dịch.

Tại địa bàn huyện Bến Lức, thời gian qua, hầu như các chương trình phát thanh hàng ngày cũng tăng thời lượng phát thanh những thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nội dung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh đa dạng thể loại như tin, bài, ghi nhanh, câu chuyện xóm làng.

Huyện có 14 xã và 1 thị trấn, là địa bàn phát triển công nghiệp, có số lượng công nhân, lao động cư trú đông nên việc thông tin, tuyên truyền luôn được đặc biệt quan tâm. Theo đó, gần 150 cụm loa truyền thanh trang bị tại các ấp, khu phố đã trở thành kênh thông tin quan trọng, nhất là trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Biết được nhiều thông tin qua tiếng loa

“Vì công việc bận rộn nên tôi ít có thời gian xem tivi, đọc tin tức trên mạng. Nhờ loa truyền thanh của xã, tôi nắm biết được tình hình dịch Covid-19 và các quy định phòng, chống” - chị Trần Thị Liên - tiểu thương buôn bán tại xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, cho biết.

Ngoài hệ thống truyền thanh cố định lắp đặt đến các ấp, khu phố thì phương thức tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng những chiếc loa lưu động cũng được áp dụng thường xuyên và rất hiệu quả, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, đường nhỏ, hẹp, xe ôtô chưa vào được.

Tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, ngoài hệ thống phát thanh cố định với 12 cụm loa gắn ở 6 ấp thì hình thức tuyên truyền lưu động cũng được quan tâm thực hiện. Thời gian gần đây, hình ảnh cán bộ truyền thanh - anh Nguyễn Lê Duy điều khiển xe môtô gắn theo sau cái máy phát và bộ loa đi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 dọc những tuyến đường, ngõ xóm trong xã đã trở nên quen thuộc.

Mỗi buổi tuyên truyền như thế, anh rong ruổi hơn 10km với thời gian kéo dài cả tiếng đồng hồ ngoài trời, bất kể nắng gắt. Thậm chí, thứ bảy, chủ nhật, anh vẫn vào tận các con hẻm nhỏ để tuyên truyền. Nhờ vậy, những thông tin, chỉ đạo, khuyến cáo của Trung ương và địa phương được truyền tải kịp thời, giúp người dân nâng cao nhận thức, phòng ngừa dịch bệnh Covid 19,...

Với nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn, biên giới, tiếng loa phát thanh cố định hay lưu động đã trở nên thân quen. “Đối với người lớn tuổi, việc sử dụng các thiết bị thông minh để cập nhật tin tức cũng hạn chế nên tiếng loa là một kênh thông tin rất hữu ích. Mỗi sáng sớm, chiều tối, ngồi bên bàn trà, nhiều cụ già vẫn nắm được thông tin qua giọng đọc từ những chiếc loa phát thanh” - ông Lê Thanh Lâm, 65 tuổi, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, chia sẻ.

Khi loa phát thanh vang lên thì thông tin ngay lập tức sẽ lan rộng ra cả xóm, cả vùng. Điều đó càng được minh chứng rõ qua việc người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau lhi nắm bắt thông tin, tuyên truyền từ hệ thống loa truyền thanh./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích