Tiếng Việt | English

19/11/2016 - 16:39

Tiếng ồn - kẻ thù của sức khỏe

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta luôn phải đối mặt với rất nhiều loại tiếng ồn từ nhẹ nhàng đến đinh tai nhức óc. Tại các đô thị với sự nhộn nhịp, ồn ào thì tiếng ồn càng nhiều càng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cả tâm lý của chúng ta. Trong hoạt động sống như sinh hoạt, sản xuất cũng phát sinh ra rất nhiều tiếng ồn tùy mức độ.

Chẳng hạn như trong hoạt động xây dựng với tiếng máy cắt gạch, cắt đá lót sàn cũng làm cho “đinh tai nhức óc” . Từ đó làm cho chúng ta khó chịu và mệt mỏi, vì tiếng động làm giật mình và khi đó sẽ gây co mạch máu... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến bệnh tim mạch. Với người cao tuổi có tình trạng rối loạn mỡ máu, khi máu giảm tốc độ, mỡ sẽ có cơ hội bám vào thành mạch, gây xơ vữa mạch máu, gặp tiếng ồn thì nguy cơ cao về tai biến mạch máu não.

Nếu ở gần nhà có tiệc cưới, ma chay, quán nhậu hay khu vui chơi giải trí thì sẽ thường xuyên bị mất ngủ, mỏi mệt, thiếu tỉnh táo nên trong công việc dễ dẫn đến sai sót.

Ngoài ra, ô nhiễm âm thanh còn có thể xuất phát từ truyền hình như các hình ảnh quảng cáo với tiếng đọc cực nhanh hay tiếng chuông điện thoại ầm ĩ cũng làm cho chúng ta mệt mỏi, mặc dù luôn xem đó là những chuyện nhỏ nhưng thực chất đều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, loại tiếng ồn mà rất ít người quan tâm đó là tiếng ồn ở các trường học có diện tích nhỏ, học sinh đông, không có sân chơi rộng. Điều này ảnh hưởng đến sự tiếp thu bài vở sau giờ chơi của học sinh mà không ai biết nguyên nhân vì sao và một loại tiếng ồn mà hầu như không ai nghĩ đến đó là các bà vợ, ông chồng "nói luôn miệng", cứ đến bữa ăn hay lúc chuẩn bị đi ngủ là phát. Tuy không ồn ào như tiếng máy, tiếng loa phát thanh nhưng có khả năng làm cho tim tăng nhịp đập, làm co thắt mạch máu làm cho người chồng hoặc vợ ăn không vô, nuốt không trôi trong bữa cơm, không thể ngủ yên được.

Âm thanh còn tìm đến tai chúng ta từ động cơ xe máy, tiếng còi trên đường vì qua nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định tiếng ồn là loại ô nhiễm phá hủy sức khỏe nhiều nhất với kết luận khi tiếng ồn quá 85 decibel sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây điếc.

Tiếng ồn là kẻ thù thầm lặng mà đáng sợ ghê gớm của sức khỏe vì khi tai bị tiếng ồn hành hạ sẽ có nguy cơ bị điếc, tim bị tiếng ồn tấn công có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim do vỡ động mạch nuôi tim, tiếng ồn diễn ra thường xuyên, liên tục dễ dẫn đến tai biến mạch máu não do vỡ động mạch nuôi não, nhưng khi tai biến xảy ra, rất ít người nghĩ đến nguyên nhân do tiếng ồn vì nó tạo ra sự căng thẳng do stress mà thường nghĩ đến xơ vữa động mạch do tăng cholesterol.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân khỏi bị tác động bởi tiếng ồn, mọi người cần phải tránh xa tiếng ồn. Có những tiếng ồn có thể tránh được như điều chỉnh âm lượng của ti vi, máy hát ở mức độ vừa phải, nếu có điều kiện để lựa chọn thì nên chọn nhà ở những khu vực yên tĩnh, trong trường hợp buộc phải sống ở nơi ồn ào vì sinh kế, cần thiết kế cách âm.

Với tiếng ồn khi tham gia giao thông có thể tránh bằng việc tránh đi vào giờ cao điểm dễ gây ùn tắc như đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Để phòng tránh tiếng ồn trong trường học, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để tìm biện pháp giải quyết hợp lý như tính lại diện tích theo số lượng học sinh được phép.

Hiện nay có một số người dùng nút để bịt tai khi ra đường để tránh tiếng ồn nhưng đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Do đó, không nên dùng nút tai khi tham gia giao thông vì sẽ không nghe được tiếng còi xin đường, báo hiệu... rất nguy hiểm.

Để tránh tiếng ồn khi đi dự tiệc nên ngồi xa ampli, điều chỉnh âm thanh vừa đủ. Nhà ở khu vực ồn ào nên sử dụng vật liệu cách âm. Ngoài ra, những nơi gây ồn ào vào giờ nghỉ ngơi nên nhắc nhở tuân thủ quy định.

Thực tế cho thấy, với bản năng sinh tồn, khi nghe tiếng suối chảy, tiếng chim hót ta sẽ thấy thư giãn dễ chịu, còn gặp tiếng ồn quá to gây bất lợi, cơ thể sẽ báo động bằng cách gây ra những cơn nhức đầu, cảm giác khó chịu, tai đau dữ dội, buộc cơ thể tự động giơ tay bịt tai để cản bớt âm thanh. Người sống gần nơi ồn ào tuy có thể dần quen với ô nhiễm nhưng tác động xấu của tiếng ồn vẫn còn nguyên./.

BS Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết