Tiếng Việt | English

27/06/2019 - 09:45

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Tại cuộc giám sát UBND tỉnh về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện các dự án (DA) đầu tư công nghiệp và dân cư trên địa bàn tỉnh Long An vào đầu tháng 6/2019, Đoàn giám sát HĐND tỉnh quan tâm việc chỉ đạo thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) của UBND tỉnh.

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đang được tăng cường chỉ đạo thực hiện

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đang được tăng cường chỉ đạo thực hiện

“Trong năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục xác định công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các DA là nhiệm vụ trọng tâm. UBND tỉnh đã, đang và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, giao chủ tịch UBND cấp huyện phải nắm rõ, nắm chắc vướng mắc của các DA về BT, GPMB để tiếp tục tháo gỡ” - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thông tin đến đoàn giám sát.

Nhiệm vụ trọng tâm

Theo báo cáo của UBND tỉnh, công tác GPMB của các DA được UBND tỉnh, các ngành và các địa phương rất quan tâm thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Cuối năm 2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết về công tác BT, GPMB và có Thông báo kết luận số 383/TB-UBND, ngày 11/10/2018. Trong đó, đã nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư các DA đã có chủ trương đầu tư.

Từ giữa năm 2018, UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Tân Trụ, TP.Tân An và các nhà đầu tư, nhất là những DA vướng mắc lớn về công tác BT, GPMB. Qua đó, quán triệt đến cấp ủy các địa phương thấy được tầm quan trọng của công tác BT, GPMB, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác này. Chủ đầu tư các DA phải tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương kịp thời thực hiện công tác BT, GPMB.

Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục xác định công tác BT, GPMB, hỗ trợ tái định cư các DA là nhiệm vụ trọng tâm. UBND tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt, giao chủ tịch UBND cấp huyện phải nắm rõ, nắm chắc vướng mắc của các DA về BT, GPMB để tiếp tục tháo gỡ. Chỉ khi có mặt bằng thì DA mới có thể triển khai trên thực địa, là cơ sở quan trọng để kêu gọi, thu hút các DA đầu tư trong điều kiện diện tích đất thương phẩm trong các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) đủ điều kiện hoạt động không còn nhiều.

Theo UBND tỉnh, tính từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014 đến hết năm 2018, toàn tỉnh triển khai được 224 DA với tổng diện tích đất đã thu hồi 9.897,02ha, tổng số tiền đã chi trả 3.198,944 tỉ đồng. Trong đó, tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh triển khai tổng cộng 98 DA, với tổng diện tích đất đã thu hồi 348,834ha, tổng số tiền đã chi trả bồi thường, hỗ trợ 1.771,8 tỉ đồng.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt

Thông tin với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, thực hiện công tác BT, GPMB đối với các DA. Đó là diện tích đất đã GPMB để thu hút đầu tư không đáng kể, quỹ đất sạch ở các K,CCN để kêu gọi đầu tư rất hạn chế. Ngoài ra, nhiều DA công tác BT, GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài dẫn đến trễ tiến độ đầu tư nên phải gia hạn nhiều lần; có DA chủ đầu tư không thể triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng do bồi thường không liền thửa. Theo UBND tỉnh, KCN Hựu Thạnh IDICO còn 190 hộ chưa nhận tiền, KCN Đức Hòa 1 còn 24 hộ chưa nhận tiền, KCN Long Hậu 3 còn 261 hộ, cá nhân chưa nhận tiền,…

Ngoài ra, theo UBND tỉnh, công tác kiểm đếm, xây dựng đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại một số DA thực hiện còn chậm, thậm chí là rất chậm, từ đó ảnh hưởng chung đến công tác BT, GPMB. Song song đó, cũng có xảy ra tranh chấp giữa các nhà đầu tư hoặc tranh chấp trong nội bộ các hộ dân thuộc diện thu hồi đất dẫn đến công tác kiểm đếm, thu hồi đất, bồi thường kéo dài.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trên. Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là tình hình biến động đất đai thời gian qua rất lớn, giá đất tăng không ngừng (nhất là những địa bàn giáp TP.HCM), khi đề xuất giá thực hiện bồi thường theo giá thị trường nhưng đến khi phê duyệt triển khai các bước tiếp theo để chi trả thì giá không còn phù hợp, nhiều người dân không đồng ý giá đưa ra. Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ tái định cư có sự thay đổi. Một số DA sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ, DA khu dân cư nằm giáp ranh hoặc gần trong khu vực DA KCN, CCN để đẩy nhanh tiến độ nên chủ đầu tư thường bồi thường theo phương thức tự thỏa thuận và giá chuyển nhượng thường cao hơn so với giá bồi thường ở các DA K,CCN tập trung làm ảnh hưởng đến bồi thường chung. Tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình khi nhận tiền bồi thường, tranh chấp thừa kế ngày càng phát sinh nhiều,...

Trong khi đó, một số nguyên nhân chủ quan là trong chỉ đạo công tác GPMB còn dàn trải mà chưa xác định công trình trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá. Nhiều DA triển khai chậm, trễ hạn, gặp khó khăn, vướng mắc đến đền bù, GPMB nhưng địa phương chưa thật sự quyết liệt. Có DA chưa có sự phối hợp chặt chẽ các sở, ngành tỉnh để tập trung giải quyết; chưa có những giải pháp kiên quyết xử lý đối với các nhà đầu tư còn lần lựa về giá cả bồi thường và chậm chi trả bồi thường, chậm triển khai các khu tái định cư, chậm bàn giao nền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Việc rà soát, hậu kiểm, xử lý các DA kéo dài do năng lực nhà đầu tư có khi vẫn chưa kịp thời, chưa quyết liệt.

Đồng thời, việc xác định chủ sử dụng đất để lập phương án bồi thường gặp nhiều khó khăn do người dân một số địa phương khác đến nhận chuyển nhượng đất nhưng nay không liên lạc được. Công tác cập nhật chỉnh lý biến động hồ sơ đất đai chưa kịp thời dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc trong việc thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, chi trả bồi thường. Nhân lực để thực hiện công tác bồi thường ở các huyện mặc dù được củng cố, tăng cường nhưng chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là ở các huyện vùng kinh tế trọng điểm.

Trong cuộc giám sát UBND tỉnh, Đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu vấn đề còn nhiều trường hợp DA BT, GPMB chưa hoàn chỉnh, dạng “da beo” kéo dài. Do ảnh hưởng biến động của thị trường bất động sản, các địa phương giáp ranh TP.HCM nên gặp khó trong việc bồi thường, hầu như người dân đều yêu cầu giá bồi thường cao hơn giá được công bố. Trong đó phải kể đến các DA: CCN Hải Sơn ở Cần Giuộc; KCN Đức Hòa I - Hạnh Phúc giai đoạn mở rộng; KCN Hựu Thạnh; KCN Cầu cảng Phước Đông; 5 DA mới vừa duyệt lại phương án giá, đang thực hiện GPMB ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỷ lệ người dân nhận bồi thường rất thấp. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng của DA. UBND tỉnh sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề đoàn giám sát đặt ra, UBND tỉnh thông tin, thực hiện Kết luận số 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác BT, GPMB, tái định cư trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đang triển khai, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác này.

Theo đó, đối với các DA đã được phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2003 thì thực hiện rà soát nguyên nhân chậm chi trả để áp dụng theo chủ trương của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn 1570, ngày 17/8/2016.

Đối với các DA đã được phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất theo Luật đất đai năm 2013 tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách. Nếu bổ sung được thì điều chỉnh bổ sung, nếu bất cập thì chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đối với các DA mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh xác định giá đất bồi thường bảo đảm phù hợp, sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, các khoản bồi thường hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng. Đồng thời, UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực DA,…

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích