Tiếng Việt | English

11/05/2020 - 13:40

Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Để giúp người dân hiểu về Nghị quyết (NQ) số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai xung quanh việc triển khai, thực hiện NQ này trên địa bàn tỉnh.

Ngày 29/4/2020, Long An chi hỗ trợ hoàn thành cho 3 nhóm đối tượng gồm hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; người có công với cách mạng đang nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng

PV: Xin bà cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai NQ số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như thế nào?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành NQ số 42, tỉnh tiến hành rà soát, điều tra, lập danh sách 7 nhóm đối tượng, trong đó tập trung trước 3 nhóm đối tượng gồm hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Theo đó, sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai và hướng dẫn giám sát việc thực hiện NQ số 42 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 27/4/2020, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải chi hỗ trợ 3 nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng hoàn thành trước tháng 4. Kết quả chưa đầy 24 giờ, số tiền gần 144 tỉ đồng đã đến tay 123.214 người thuộc 3 nhóm đối tượng trên.

4 nhóm đối tượng còn lại của NQ số 42 đang tiếp tục được các địa phương điều tra, rà soát, thẩm định, lập hồ sơ, thủ tục theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. 4 nhóm đối tượng này gồm người lao động (NLĐ) bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng, theo hàng tháng, tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4 đến 6-2020.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01-4-2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng, theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 6-2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng, với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000
đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.

PV: Thưa bà, có phải đối tượng nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đều được hỗ trợ theo NQ số 42?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Không phải đối tượng nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đều được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Ngoài ra, các nhóm đối tượng còn phải bảo đảm các điều kiện của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg đề ra.

Việc hỗ trợ theo NQ số 42 phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách trở lên tại NQ này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

PV: Bà có thể cho biết những việc NLĐ cần làm để nhận được tiền hỗ trợ theo NQ số 42?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Căn cứ Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg thì NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 cần làm những việc sau đây để nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 42:

Thứ nhất, đối với NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: NLĐ lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 15 cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) để rà soát, xác nhận mức thu nhập và tổng hợp danh sách trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho NLĐ.

Thứ hai, đối với NLĐ không giao kết HĐLĐ (hay lao động tự do) bị mất việc làm: NLĐ lập và gửi văn bản đề nghị theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Quyết định số 15 cho UBND cấp xã sau ngày 15 hàng tháng để rà soát và lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hỗ trợ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho NLĐ.

Lưu ý: Trường hợp lao động tự do có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định số 15 và ngược lại.

Còn đối với NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương thì doanh nghiệp sẽ chủ động lập danh sách NLĐ trong doanh nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ để gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hỗ trợ cho NLĐ, nên NLĐ không phải lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ nữa.

PV: Khi người dân có thắc mắc hoặc chưa hiểu về NQ số 42 thì liên hệ bằng cách nào để được giải đáp, thưa bà?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Hiện nay, người dân có thể xem video nhận biết và hướng dẫn hỗ trợ các đối tượng theo NQ số 42 và Quyết định số 15 theo đường link: http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/video;

Địa chỉ xem bộ nhận diện hình ảnh và điều kiện hưởng hỗ trợ theo đường link: http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/infographic;

Bộ hỏi - đáp đường link: http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/cac-van-de-thuong-gap.

Số điện thoại Tổng đài giải đáp thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 111. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng thành lập các đường dây nóng: Đối với đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: Số điện thoại 02723821392 - Phòng Quản lý công tác xã hội. Đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ; hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; các vấn đề tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Số điện thoại 02723826953 - Phòng Lao động việc làm - Giáo dục nghề nghiệp. Đối với người có công với cách mạng: Số điện thoại 02723822489 - Phòng Người có công.

Không riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có đường dây nóng giải quyết các thắc mắc, khó khăn về triển khai, thực hiện NQ số 42 mà theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan đều có thành lập đường dây nóng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện NQ số 42, bảo đảm chính sách được triển khai công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

PV: Xin cảm ơn bà!

Lê Ngọc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết