Tiếng Việt | English

21/09/2015 - 12:16

Tìm cách thoát bẫy trái cây “dơ”

87% người dân được khảo sát cảm thấy “không an tâm về độ an toàn của trái cây trên thị trường”, nhưng đa số cho biết không từ bỏ loại thức ăn này mà tìm nhiều cách để an toàn hơn khi sử dụng.

 

Người dân chọn mua trái cây sạch tại siêu thị - Ảnh: Hữu Khoa

Đây là kết quả cuộc khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 30 người dân là những “bà nội trợ” đang sinh sống ở chín quận, huyện của TP.HCM về thái độ và ứng xử của họ trước vấn đề trái cây kém chất lượng trên thị trường hiện nay.

Trong số những người này, người trẻ nhất 20 tuổi và lớn tuổi nhất là 55. 

Những cách “tự cứu”

Những thông tin về trái cây được xử lý bằng hóa chất độc hại thời gian gần đây khiến người dân tỏ ra lo ngại về chất lượng trái cây. 87% người nội trợ được khảo sát cho biết họ không an tâm về độ an toàn của trái cây trên thị trường. Lý do được họ đưa ra là trước đây từng bị ngộ độc do sử dụng trái cây kém chất lượng (13%), từng mua trái cây có hóa chất (6,6%) hoặc từng được nghe những thông tin về trái cây bị xử lý bằng hóa chất (83%).

Đối mặt với trái cây “bẩn”, có người đã nghĩ một cách tiêu cực rằng “không thể làm gì” hoặc chọn cách bỏ/giảm ăn trái cây. Tuy nhiên, phần đông người được khảo sát cho biết vẫn tiếp tục sử dụng trái cây. Điều này chứng tỏ trái cây vẫn đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn gia đình hiện nay.

Trong nhiều phương án “vượt khó” khác nhau để có thể có trái cây an toàn cho gia đình, phương pháp truyền thống “rửa sạch và ngâm nước muối loãng kỹ trước khi ăn” được nhiều bà nội trợ lựa chọn (chiếm đến 70%). Giải pháp kế tiếp được lựa chọn là chỉ mua trái cây ở những địa điểm đáng tin cậy như siêu thị, người quen (56,6%).

Bên cạnh đó, những người nội trợ này cũng chia sẻ một số cách để có trái cây an toàn như tránh ăn các loại trái cây trái mùa; chỉ ăn trái cây nhà trồng; dùng các thiết bị loại bỏ dư lượng hóa chất tồn tại trên trái cây...

Có người còn chọn cách hạn chế mua trái cây ngoại nhập, như lời bà Huỳnh Thị Thanh Ninh (buôn bán ở quận Thủ Đức): “Tôi thường không mua trái cây ngoại nhập để hạn chế mua phải trái cây bị tẩm hóa chất”.

Cần tăng cường 
kiểm tra, giám sát

Bên cạnh ý thức tự bảo vệ mình, những người được khảo sát cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, cơ quan chức năng cải thiện tình hình trái cây bị xử lý hóa chất không an toàn. Trong đó ý kiến cần phải phạt nặng, thậm chí đóng cửa các cơ sở kinh doanh trái cây khi phát hiện dấu hiệu vi phạm nhận được 83% đồng tình.

“Cần phải phạt nặng hoặc cấm bán với các cơ sở buôn bán trái cây không an toàn, như thế mới đảm bảo sức khỏe cho người dân” - bà Trần Thị Lành (dược sĩ, ở quận Thủ Đức) bày tỏ.

Có 63% ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các chợ đầu mối, các địa điểm kinh doanh trái cây. Bên cạnh đó, còn phải quản lý chặt các cơ sở bán hóa chất bởi đây mới chính là đầu mối cung cấp nhiều hóa chất cấm, hóa chất độc hại cho các nguồn bán trái cây trên thị trường.


Đồ họa: Ngọc Thành

Một kết quả đáng chú ý là 83% người dân có tâm lý lo ngại trái cây kém chất lượng xuất phát từ việc họ “nghe thông tin trái cây bị xử lý bằng hóa chất”. Và giải pháp “cần thông tin hướng dẫn cho người dân biết cách lựa chọn trái cây an toàn” nhận được 53% lựa chọn. Điều này đã phần nào thể hiện tác động của truyền thông đến tâm lý người dân.

Do đó hoạt động truyền thông trong cộng đồng với sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để chia sẻ những kiến thức khoa học, các kinh nghiệm cũng như hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn trái cây an toàn là rất cần thiết.

Việc tuyên truyền ấy không chỉ dành cho người dân mà phải phổ biến đến cả các địa điểm kinh doanh thực phẩm nói chung, các nơi bán trái cây nói riêng về ý thức và trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):

Nên ăn đủ 200 gam trái cây/ngày

Việc rửa trái cây trước khi ăn là cần thiết để loại bỏ một phần hóa chất, chất dơ bám trên vỏ. Tuy nhiên, việc rửa bằng nước muối hay nước lã sạch cũng không khác nhau nhiều về kết quả giảm lượng hóa chất trên vỏ. Quan trọng là rửa sạch trái cây với nước sạch và ngâm rửa trong thời gian đủ lâu 15 - 20 phút (không ngâm rửa lâu hơn sẽ mất nhiều vitamin C).

Chọn nơi bán uy tín cũng giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc của sản phẩm, có người chịu trách nhiệm và giúp lựa chọn loại thực phẩm an toàn. Riêng cách chọn không mua trái cây trái mùa thì nên cân nhắc vì hiện nay công nghệ trồng trọt cây ăn trái đã phát triển cao, việc sử dụng trái cây trái mùa có thể vẫn an toàn.

Không nên chọn cách giảm hoặc không ăn trái cây do sợ bị xử lý bằng các hóa chất độc hại vì sẽ khiến cơ thể có nguy cơ bị thiếu vitamin C, chất xơ, gây ra biến chứng dễ xuất huyết, giảm sức đề kháng và chứng táo bón, trĩ...

Như vậy vẫn nên ăn đủ trái cây (200 gam/ngày/ người) với hai loại khác nhau trong ngày. Chọn nơi bán uy tín, ngâm rửa sạch trước khi ăn, thay đổi các loại đa dạng, tốt nhất mùa nào thức nấy, chọn những loại ít nguy cơ sử dụng hóa chất bảo quản như chuối (chuối mua sống để tự chín), nho, thanh long, bưởi, ổi, mận, cóc, xoài, vải, nhãn, măng cụt, bòn bon...

Nguồn: Diệu Nguyễn/Tuổi trẻ 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích