Tiếng Việt | English

22/02/2017 - 19:54

Tìm giải pháp quản lý sâu năn trên lúa Đông Xuân 2016-2017

Ngày 22/02, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Long An phối hợp 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng tổ chức tọa đàm các giải pháp quản lý sâu năn (muỗi hành) trên lúa Đông Xuân 2016-2017. Cuộc tọa đàm thu hút gần 300 nông dân cùng các nhà khoa học, quản lý nông nghiệp tham dự.


Nhiều diện tích lúa bị sâu năn gây hại

Tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học thông tin đến nông dân về nguyên nhân, triệu chứng gây hại và các giải pháp quản lý sâu năn. Theo đó, nguyên nhân sâu năn gây hại mạnh trên trà lúa Đông Xuân 2016-2017 chủ yếu do thời tiết bất thường, mưa kéo dài; các vùng trũng không chủ động được nước nên xuống giống muộn; mùa vụ gieo sạ liên tục, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, nông dân gieo sạ dày, bón phân không cân đối, việc sử dụng thuốc hóa học làm giảm số lượng thiên địch dẫn đến bộc phát sâu năn.

Nông dân đặt nhiều câu hỏi và được các nhà khoa học giải đáp những vấn đề liên quan đến việc phòng, trừ sâu năn gây hại trên lúa. Theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt, các địa phương cần giám sát, nắm chắc diễn biến của sâu năn, đặc biệt lúa ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh; không phun thuốc hóa học phòng trừ khi thấy sâu năn bùng phát. Đối với diện tích bị sâu năn gây hại, cần tiếp tục chăm sóc bằng cách bón phân cân đối cho những chồi còn lại phát triển, cần rút nước để hạn chế sự phát triển của sâu năn.

Được biết, vụ Đông Xuân năm nay, trên địa bàn tỉnh có trên 9.000ha lúa bị sâu năn gây hại, chủ yếu ở 2 huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường; diện tích bị thiệt hại nặng nhất thuộc huyện Vĩnh Hưng với gần 7.000ha, trong đó có 2.300ha thiệt hại từ 50-70%.

Ông Lê Văn Vụ, ngụ ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết, trước đây, sâu năn có xuất hiện và gây hại ít, chủ yếu lúa vụ Hè Thu. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân này, sâu năn bùng phát mạnh và gây hại trên diện rộng. "Được nghe thông tin sâu năn gây hại ở các khu vực lân cận, tôi đã chủ động phòng ngừa cho 10ha lúa của gia đình nhưng đến nay, sâu năn vẫn gây hại, ước tỷ lệ khoảng 30-40%” - ông Vụ cho biết thêm./.

Văn Đát- Kiên Định

Chia sẻ bài viết