Tiếng Việt | English

15/03/2019 - 09:19

Tín hiệu vui cho lúa Nàng Thơm Chợ Đào

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nông dân thường rơi vào cảnh “được mùa - rớt giá”, thậm chí nông sản làm ra không tiêu thụ được thì mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phối hợp doanh nghiệp (DN) Bảy Sánh thực hiện mang lại hiệu quả.

Nông dân xã Mỹ Lệ thu hoạch lúa Nàng thơm Chợ Đào

Nông dân xã Mỹ Lệ thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào

Tâm huyết với việc nâng cao chất lượng, giá trị gạo Nàng Thơm Chợ Đào, ông Phan Văn Sánh - chủ DN Bảy Sánh, mạnh dạn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Nàng Thơm. Mô hình được thực hiện từ năm 2013 với 70ha, nông dân ký kết bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận, bảo đảm có lãi. Tuy nhiên, hình thức bao tiêu sản phẩm chỉ giải quyết đầu ra mà không thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất,... do đó, DN phối hợp HTX và nông dân thực hiện quy trình khép kín từ việc cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư phân bón, bao tiêu sản phẩm, nâng cao chất lượng và năng suất lúa Nàng Thơm.

Để có nguồn giống đạt chất lượng, DN và HTX chọn cánh đồng ấp 2 Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ và những ruộng lúa chất lượng tiến hành chọn từng bông lúa, sau đó về tuyển lựa rồi giao cho nông dân có kinh nghiệm nhân giống theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ông Sánh cho biết: Vụ Đông Xuân 2018-2019, HTX cung cấp lúa giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất 100ha lúa Nàng Thơm Chợ Đào thuộc khu vực ấp 2 Cầu Chùa và bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ, giá sàn được DN bao tiêu tại ruộng là 9.500 đồng/kg. Bình quân mỗi hécta, DN đầu tư 20 triệu đồng, bảo đảm bao tiêu toàn bộ 400 tấn lúa Nàng Thơm theo hợp đồng. Nông dân thu hoạch lúa bán cho DN khoảng 40 triệu đồng.

Ông Trần Văn Nhỏ, ngụ ấp 2 Cầu Chùa, cho biết: “Hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DN và nông dân là tín hiệu vui của lúa Nàng Thơm vì hiện nay, chất lượng giống lúa Nàng Thơm không còn như trước, giá thị trường bấp bênh nên nông dân không mặn mà. Thời gian gần đây, được DN Bảy Sánh hỗ trợ về giống, khoa học - kỹ thuật, nông dân chỉ “lấy công làm lời”, tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư”.

Ông Phan Văn Sánh cho biết thêm: “Để giữ vững thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, Hội Nông dân tỉnh có chủ trương hỗ trợ DN mở rộng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước nâng cao chất lượng gạo. Chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch vùng trồng lúa Nàng Thơm, đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, chuyển giao kỹ thuật,... Thời gian tới, DN sẽ đầu tư mở rộng diện tích và hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên địa bàn, góp phần duy trì giống lúa đặc sản nổi tiếng của địa phương"./.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết