Du khách tìm hiểu về lịch sử di tích Nhà Trăm Cột qua lời giới thiệu của chủ nhà
Vùng đất văn hóa
Cần Đước không chỉ được biết đến với bề dày truyền thống lịch sử mà còn bởi có nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống gắn liền với những món ăn đặc sản, được người dân lưu giữ từ bao đời nay. Nếu ai có về Cần Đước sẽ không thể bỏ qua Di tích Nhà Trăm Cột tại xã Long Hựu Đông. Ngôi nhà với những nét kiến trúc điêu khắc độc đáo cũng như giá trị văn hóa to lớn, trường tồn theo thời gian với thiết kế 100 cột làm từ gỗ quý được chạm khắc tinh xảo. Toàn bộ phần trang trí trong ngôi nhà như một bức tranh sinh động. Sự tài hoa của nghệ nhân điêu khắc đã thay thế các họa sĩ, biến những mảnh gỗ vô tri, vô giác thành những sinh vật có hồn, tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Đồn Rạch Cát (xã Long Hựu Đông) - điểm đến khó có thể bỏ qua khi về với Cần Đước
Cần Đước còn thu hút du khách bởi Di tích đồn Rạch Cát (xã Long Hựu Đông), Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến (xã Long Hòa),... Những địa danh nổi tiếng, một thời từng ghi dấu ấn bởi nhiều cuộc chiến đấu của dân tộc. Ngoài Di tích Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm (Tân Lân) cũng là một trong những di tích mang đậm nét kiến trúc thời xưa. Chị Nguyễn Thị Bích Huyền, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ: “Sinh ra, lớn lên tại xã Tân Lân, nay gia đình chuyển về TP.HCM sinh sống, làm việc. Khi bạn bè, đồng nghiệp muốn đi du lịch, tôi giới thiệu ngay về Cần Đước, quê hương mình, nơi có phong cảnh hữu tình với nhiều di tích lịch sử cùng những món ăn dân dã, đậm tình quê”.
Gạo Nàng thơm Chợ Đào làm quà cho du khách thập phương
Về Cần Đước, du khách còn được “tắm mình” trong không gian êm ả của vùng quê sông nước, tận hưởng không khí trong lành của sông Soài Rạp, Vàm Cỏ. Hai dòng sông gắn bó lâu đời với lịch sử dân tộc, chở nặng phù sa, tắm mát ruộng đồng. Sau ngày đất nước thống nhất, hai dòng sông lại tiếp nối nhiệm vụ giao thương, kết nối vùng thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh.
Nhiều tiềm năng về du lịch
Đến xã Mỹ Lệ, không chỉ tìm về cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử mà còn có dịp tham quan vùng đất nổi tiếng với gạo Nàng thơm Chợ Đào, loại gạo thơm ngon mà không nơi nào có được. Cơm nấu từ gạo Nàng thơm ăn với cá bống kèo kho tộ, lạp xưởng tươi thì còn gì bằng! Du khách còn có thể tìm về các làng nghề thủ công truyền thống như nghề dệt chiếu ở Long Cang, Long Định; nghề chạm bạc ở Phước Vân; nghề chạm khắc gỗ ở Tân Lân; nghề đóng nghe ở Long Hựu, Tân Chánh;... Anh Lê Hữu Phước - người dân xã Long Cang, cho biết: “Gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 30 năm nay, tôi có dịp tiếp nhiều đoàn khách du lịch, sinh viên thực tập về tham quan và chia sẻ về những vất vả, thăng trầm của nghề cũng như tâm huyết giữ nghề của người dân Long Cang”. Cần Đước còn khiến du khách lưu luyến bởi vị ngọt của chiếc bánh in Long Hựu và nguồn hải sản tươi ngon.
Về Mỹ Lệ, du khách được thưởng thức những ngón đờn tài tử ngọt mát lòng người
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh: “Cần Đước có thế mạnh với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và những nghề truyền thống. Tuy nhiên để Cần Đước phát triển du lịch, trước tiên, huyện cần tập trung khai thác du lịch tâm linh, lễ hội, dựa trên các đặc trưng vốn có và đẩy mạnh quảng bá hoạt động của các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn và gắn kết với cộng đồng, hướng đến hình thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại khu vực trọng điểm của huyện”.
Đến Cần Đước, du khách có dịp thưởng thức món lạp xưởng nổi tiếng gần xa
Về với Cần Đước để tìm hiểu về vùng đất văn hóa. Đây sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai thích du lịch, đam mê khám phá./.
Nếu xuất phát từ TP.HCM, du khách về Cần Đước có thể theo hai hướng. Hướng thứ nhất, du khách men theo Quốc lộ 50 qua huyện Cần Giuộc (Long An) về Cần Đước. Hướng thứ hai đi theo Quốc lộ 1, rẽ trái vào Đường tỉnh 835, đến ngã tư Xoài Đôi đi thẳng theo Đường tỉnh 826 đến huyện Cần Đước. |
Kim Thoa