Hiện nay, bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp “phình to” về biên chế, trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ nên hoạt động kém hiệu quả. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, thời gian tới, các cấp, các ngành phải mạnh dạn đẩy mạnh đổi mới hoạt động, sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách tinh gọn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn của cuộc cách mạng nền công nghiệp lần thứ tư (4.0)
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay quá nhiều dẫn đến hạn chế nguồn kinh phí chi cho đầu tư phát triển. Điều này ảnh hưởng đến lương cán bộ, công chức, viên chức không cao, tạo sự ì ạch trong công việc, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, xảy ra tình trạng vòi vĩnh phong bì để giải quyết công việc; nạn tham ô, tham nhũng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ nên một công việc mà ba, bốn cơ quan cùng chỉ đạo, tham gia giải quyết, gây mất thời gian lại không biết ai chịu trách nhiệm,... gây bức xúc trong người dân.
Để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trước tiên, phải đổi mới từ cấp trên, từ Trung ương và bộ, ngành. Trong cải cách bộ máy tổ chức, sự tinh gọn bắt đầu từ cấp trên sẽ là đích đến, định hướng để cấp dưới thực hiện; trước hết, phải từ bộ máy của Đảng, Nhà nước; phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những cơ quan, bộ phận có cùng chức năng, bỏ các cơ quan mang tầng nấc trung gian, nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và Nhà nước; cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ; đối với y tế, giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng bệnh viện tư, trường học tư thục,...
Việc đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn sẽ là tiền đề, điều kiện quan trọng để giảm số lượng cơ quan cũng như số lượng cán bộ, công chức, viên chức, thu gọn đầu mối; từ đó, nâng cao mức lương, tính chuyên nghiệp trong thực hiện công vụ, giải quyết công việc một cách nhanh chóng, tránh đùn đẩy trách nhiệm như bấy lâu nay./.
Thi Hoàng