Sáng y đức, giỏi y thuật
Nhanh nhẹn, nhiệt tình và thân thiện là ấn tượng của nhiều bệnh nhân (BN) đối với bác sĩ chuyên khoa I (BS.CKI) Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền Long An. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y nên ngay từ nhỏ, BS Hồng Vân ấp ủ ước mơ được mặc chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh cho mọi người.
Nhanh nhẹn, nhiệt tình và thân thiện là ấn tượng của nhiều bệnh nhân đối với bác sĩ chuyên khoa I - Nguyễn Thị Hồng Vân Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền Long An
Hơn 12 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy năm BS Hồng Vân không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2016, chị theo học CKI y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM và tốt nghiệp vào năm 2018. “Phần lớn BN điều trị tại khoa đều mắc các bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài. Vì thế, tôi luôn xác định phải chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng phác đồ cho BN, nhất là làm việc bằng cái tâm, đặt sự hài lòng của BN lên hàng đầu. Với tôi, niềm tin, nụ cười của BN là niềm vui, hạnh phúc không gì thay thế được. Đây cũng là động lực giúp tôi càng thêm yêu thích và gắn bó với nghề” - BS Hồng Vân chia sẻ.
Dù bận rộn với công việc nhưng mỗi ngày, BS Hồng Vân dành khoảng 1-2 giờ nghiên cứu, cập nhật những kiến thức, phương pháp điều trị mới của Đông y cũng như Tây y. Khi gặp những ca bệnh phức tạp, chị dành nhiều thời gian tìm hiểu sách vở, tham khảo ý kiến của thầy cô và đồng nghiệp nhằm hỗ trợ BN một cách tốt nhất.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, BS Hồng Vân còn làm tốt công tác quản lý. Trên cương vị trưởng khoa, chị luôn suy nghĩ phải làm thế nào để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như thay đổi phong cách, thái độ phục vụ BN.
BS Hồng Vân cho biết: “Đối với BS trẻ mới vào nghề, tôi định hướng các em điều trị BN theo hướng khoa học, đồng thời nhắc nhở các y, BS, điều dưỡng trong khoa phải kiên nhẫn, tận tình và cố gắng hết khả năng của mình vì BN. Từ đó, tạo thêm niềm tin, sự hài lòng của BN khi đến điều trị”.
Nhận xét về BS Hồng Vân, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Long An - BS.CKI Nguyễn Hữu Phước nói: “BS Hồng Vân là người năng nổ, nhiệt tình với công việc, không ngại khó, ngại khổ vì BN. Đây là một trong những BS sáng về y đức, giỏi về y thuật của bệnh viện. Không chỉ phấn đấu giỏi nghề, thạo chuyên môn, BS Hồng Vân còn tích cực tham gia các phong trào do bệnh viện, ngành tổ chức”.
Bỏ phố về quê làm bác sĩ
Sinh ra và lớn lên tại TP.Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM, BS.CKI Võ Đại Nguyên Khai có nhiều cơ hội làm việc tại các bệnh viện tuyến trên, thế nhưng, năm 2002, anh lại “bỏ phố về quê” và chọn gắn bó với Trung tâm Y tế huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Bác sĩ Võ Đại Nguyên Khai là người thầy thuốc tận tâm với nghề, hết lòng vì bệnh nhân
Tiếp chúng tôi trong giờ nghỉ giải lao, BS Nguyên Khai vui vẻ chia sẻ: “Lúc tôi mới về, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực còn thiếu thốn rất nhiều. Tuy nhiên, chữ “nghề” bao giờ cũng gắn với chữ “nghiệp” nên tôi chấp nhận những khó khăn, vất vả để có thể theo đuổi đam mê đến cùng. Càng gắn bó, tiếp xúc với con người nơi đây, tôi càng thêm yêu mảnh đất này”.
Xuất phát điểm của BS Nguyên Khai là Khoa Khám bệnh. Năm 2004, anh chuyển công tác đến Khoa Nội - Nhiễm và làm việc tại đây cho đến nay. Trong quá trình công tác, anh luôn thể hiện là người thầy thuốc có năng lực, tâm huyết và gương mẫu trong mọi hoạt động.
Với vai trò là BS.CKI nội tổng quát, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, áp dụng những tiến bộ mới của y học trong khám và điều trị bệnh. Ngoài tận tình chăm sóc, động viên BN, BS Nguyên Khai sẵn sàng trao đổi, chia sẻ cùng đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm của bản thân. BS Nguyên Khai cho biết: “Đặc thù của nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Tôi luôn tâm niệm, đã là BS thì phải nỗ lực không ngừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì BN. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là mỗi ngày được làm công việc mình yêu thích và nhận được sự tin tưởng của BN”.
Tân tâm với nghề
Đến xã biên giới Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An hỏi y sĩ Trần Văn Đơ, người dân ở đây ai cũng biết và hết lòng khen ngợi bởi anh là người thầy thuốc tận tình, chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Bằng nhiệt huyết, sự tận tâm với nghề, y sĩ Trần Văn Đơ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.
Với y sĩ Trần Văn Đơ, người thầy thuốc giỏi nghề không chưa đủ mà phải thật sự có y đức
Với anh, người thầy thuốc giỏi nghề không chưa đủ mà phải thật sự có y đức. “Cha tôi làm trong ngành y nên tôi phần nào hình dung được những khó khăn, vất vả của nghề. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định theo đuổi sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Năm 2012, tôi tốt nghiệp chuyên ngành y sĩ đa khoa, Trường Cao đẳng Bách Việt” - y sĩ Trần Văn Đơ bộc bạch. Được công tác tại Trạm Y tế xã Tân Hiệp là điều kiện thuận lợi để y sĩ Trần Văn Đơ cống hiến tâm sức và trí tuệ. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng với những kiến thức đã học cùng kỹ năng nghề nghiệp, anh sớm khẳng định bản thân trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Y sĩ Trần Văn Đơ luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “Thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi sự đau đớn của BN như sự đau đớn của chính mình”. Chính vì thế, anh cùng đội ngũ cán bộ y tế của trạm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần phục vụ. Nhờ đó, Trạm Y tế xã Tân Hiệp thu hút ngày càng nhiều BN và trở thành địa chỉ tin cậy.
Đối với BN lớn tuổi, đi lại khó khăn, gia đình neo đơn, y sĩ Trần Văn Đơ sẵn sàng đến khám bệnh tại nhà không kể ngày hay đêm, xa hay gần. Bên cạnh việc khám, chữa bệnh, anh còn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, góp phần ổn định tình hình, nâng cao ý thức của mọi người về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. “Sau thời gian gắn bó, tôi thấy vui vì mình lựa chọn đúng và có thể sống trọn với nghề. Hiện tôi đang học liên thông đại học chuyên ngành y tế công cộng để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề” - y sĩ Trần Văn Đơ cho biết thêm.
Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, những y, BS mang trọng trách cao cả là chữa bệnh cứu người. Hàng ngày, họ phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao để cùng người bệnh chiến đấu chống lại bệnh tật. Chính vì thế, họ không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức vì sức khỏe, tính mạng của BN và để màu áo trắng ấy mãi tỏa sáng./.
Huỳnh Hương