Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam
► PV: Xin bà cho biết lý do ra đời nghề CTXH?
Bà Huỳnh Thị Ngọc Báu: Ngành CTXH trên thế giới được biết đến từ cuối thế kỷ XIX, xuất phát từ việc hình thành Hiệp hội các tổ chức từ thiện (Charity Organizations Society - COS) với nhu cầu giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa ở các nước phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ. Những năm gần đây, các hoạt động CTXH có sự tham gia chặt chẽ của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa CTXH vào nội dung của bảo đảm xã hội. Sau trên 100 năm phát triển, ngành CTXH hiện tại đóng vai trò không thể thay thế trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ xã hội ở các nước phát triển.
Ở Việt Nam, quá trình phát triển của CTXH như một ngành chuyên môn, có mặt khá sớm ở miền Nam vào những năm cuối thập kỷ 40 thế kỷ XX, hình thành và phát triển tự phát. Đến năm 1992, bộ môn CTXH mới được đưa vào chương trình đào tạo Cử nhân Xã hội học tại Khoa Phụ nữ học (Khoa Xã hội học hiện nay) thuộc Trường Đại học Mở - Bán công TP.HCM. Đến ngày 11/10/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 35/2004/QĐ-GDĐT ban hành chương trình khung đào tạo cử nhân ngành CTXH, tạo bước ngoặt căn bản trong sự phát triển của nghề CTXH ở Việt Nam. Đến nay, có 76 trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo ngành CTXH.
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32) và tổ chức hội nghị triển khai cho các tỉnh, thành phố trong cả nước tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 14, 15/9/2010. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Gần đây nhất, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày CTXH Việt Nam. Đây là niềm tự hào cho những người hoạt động CTXH cả nước nói chung và của tỉnh Long An nói riêng, có cơ hội ôn lại truyền thống lịch sử của nghề CTXH, giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động về CTXH.
► PV: Nghề CTXH là nghề mới, nó có vai trò như thế nào trong xã hội, thưa bà?
Bà Huỳnh Thị Ngọc Báu: CTXH hiện tại đóng vai trò không thể thay thế trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ xã hội. Nhân viên CTXH có mặt ở hầu hết lĩnh vực trong đời sống của người dân như giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội,... nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nhân viên công tác xã hội có mặt ở hầu hết lĩnh vực trong đời sống của người dân như giáo dục, y tế, lĩnh vực trợ giúp xã hội, an sinh xã hội,… nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, đáp ứng nhu cầu xã hội
► PV: Người làm nghề CTXH cần có những quy định, tiêu chuẩn như thế nào? Trong quá trình làm nghề, họ có những thuận lợi và khó khăn gì?
Bà Huỳnh Thị Ngọc Báu: Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV, ngày 19/8/2015 của liên Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành CTXH làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực an sinh xã hội. Người làm CTXH có mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH như sau: CTXH viên chính (hạng II): Mã số V.09.04.01; CTXH viên (hạng III): Mã số V.09.04.02; Nhân viên CTXH (hạng IV): Mã số V.09.04.03.
Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành CTXH, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc các chuyên ngành khoa học - xã hội phù hợp với nhiệm vụ CTXH. Trường hợp tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học - xã hội khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH theo chương trình do Bộ LĐ-TB&XH ban hành; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT, ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp CTXH. Đồng thời, phải tuân thủ quy điều đạo đức của nghề CTXH.
Ngành công tác xã hội được chính thức xem như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn có mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức
Bên cạnh những thuận lợi thì những người làm nghề CTXH gặp không ít khó khăn. Trước hết, các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; chưa có văn bản có hiệu lực ở tầm luật, pháp lệnh để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước đối với nghề CTXH,... Mặt khác, CTXH chưa thật sự được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp và chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp. Đặc biệt, còn thiếu nhiều quy định liên quan đến nghề CTXH và người làm nghề CTXH chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
► PV: Thời gian tới, trung tâm có định hướng gì để nghề CTXH trong tỉnh phát triển?
Bà Huỳnh Thị Ngọc Báu: Để nghề CTXH trong tỉnh ngày càng phát triển, trung tâm tham mưu cấp trên phối hợp các cơ quan thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về nghề CTXH; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề CTXH; kiện toàn đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH và mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH từ tỉnh đến cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH ngang tầm với nhiệm vụ.
► PV: Xin cảm ơn bà!
Lê Ngọc (thực hiện)