Ra mắt "Quầy thông tin số" đặt tại UBND TP.Tân An để cung cấp thông tin cho người dân khi đến liên hệ, giải quyết các thủ tục hành chính
Phủ sóng thông tin bằng công nghệ số
Từ 5 giờ, Đài Truyền thanh xã Lợi Bình Nhơn đã tiếp sóng bản tin về các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh và TP.Tân An. Nội dung có thể là gương người tốt - việc tốt, mô hình làm kinh tế giỏi của phụ nữ, nông dân, chương trình xây dựng đô thị,...
Thức dậy sớm vừa chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình, chị Huỳnh Thị Huyền My (ấp Cầu Tre) vừa nghe thông tin qua Đài Truyền thanh xã. Chị My nói: "Chương trình có nhiều bản tin hay như giới thiệu về những gương vượt khó, thanh toán không dùng tiền mặt, quét mã QR giới thiệu các di tích lịch sử hay mục góc thông tin việc làm cho người dân có nhu cầu,...".
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo thông tin cho người dân, TP.Tân An đa dạng hình thức truyền tải thông tin đến người dân một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh thành phố chủ động xây dựng các tin, bài, câu chuyện truyền thanh với nhiều nội dung phong phú. Đó là tuyên truyền về mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kết quả giảm nghèo trên địa bàn thành phố, các chương trình giảm nghèo, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các hội, đoàn thể; giới thiệu những mô hình của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao, thu nhập tốt; gương làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững; phổ biến kinh nghiệm, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm liên quan
Phát thanh là con đường nhanh nhất để đưa thông tin đến với đông đảo người dân. Thời gian qua, truyền thanh cơ sở được xem là "cánh tay đắc lực" của các xã, phường trên địa bàn thành phố, từ đó, đã phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền.
Đến nay, toàn thành phố có 71 trạm truyền thanh ấp, khu phố; đặc biệt, thành phố cũng đầu tư được 37 đài, trạm truyền thanh thông minh.
TP.Tân An yêu cầu các xã, phường, phòng, ngành chức năng tăng cường phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình; các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội;… qua nhiều hình thức tuyên truyền. Đó là phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử xã, phường, mạng xã hội Facebook, Zalo và trong các cuộc họp, hội nghị,...
Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo, giúp người dân chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo.
TP.Tân An cũng lắp đặt trạm wifi công cộng miễn phí tại Công viên Hoàng Hoa Thám (phường 2); bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ ở một số xã, phường nhằm giúp người dân sử dụng wifi miễn phí để truy cập các dịch vụ công của chính quyền thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số.
Ưu tiên chuyển đổi số
Bên cạnh những giải pháp giảm nghèo đa chiều thiết thực đã và đang được triển khai, để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin giảm nghèo bền vững, TP.Tân An ưu tiên CĐS trên các lĩnh vực thiết yếu, phục vụ nhân dân như y tế, giáo dục, truyền thanh, nông nghiệp, giao thông,...
TP.Tân An chỉ đạo các ngành, địa phương, đoàn thể thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là công tác giảm nghèo thông tin gắn với CĐS.
Cùng với cả hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng CĐS vào cuộc sống.
Theo đó, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố còn phối hợp thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở khu phố, ấp nhằm tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số, công nghệ số trong đời sống. Qua đó, góp phần giảm nghèo về thông tin, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thành phố hoàn thành triển khai mỗi ấp, khu phố thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng với 82 tổ và 576 thành viên để hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo về thông tin.
Ngoài ra, thành phố đưa vào vận hành kênh Zalo UBND TP.Tân An để kịp thời cung cấp thông tin chính thống của cơ quan hành chính Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Xác định tầm quan trọng của CĐS trong giảm nghèo về thông tin, thành phố chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp,... đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; phối hợp đưa nông sản, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Đến nay, 14 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử: Lazada, Tiki, TikTok. Song song đó, thành phố phối hợp VNPT Long An triển khai đến tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, thuế điện tử, biên lai điện tử,... cài app Long An Số, ví VNPT - Money (thanh toán không dùng tiền mặt).
Nhờ được hỗ trợ thông tin, chị Huỳnh Tuyết Mai ngoài bán hàng truyền thống còn phát triển bán hàng qua sàn thương mại điện tử
Mang theo nghề truyền thống của gia đình từ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đến xã Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An), chị Huỳnh Tuyết Mai lập nghiệp và mở cơ sở sản xuất các loại mắm ruốc.
Trong quá trình làm ra sản phẩm, chị đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sơ chế, chế biến và thành phẩm, chị luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu.
Sau nhiều năm nỗ lực, Cơ sở mắm ruốc Ba Buôi của chị ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường. Đến nay, chị đã xây dựng thành công thương hiệu mắm ruốc xào Ba Buôi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Chị Tuyết Mai chia sẻ: “Tôi chủ yếu sản xuất mắm ruốc xào, mắm ruốc nguyên chất, mắm đậu chay,... Sắp tới, tôi dự định phát triển thêm những sản phẩm khác như tôm kho quẹt, kho quẹt chay, muối tỏi ớt,... Qua những buổi tuyên truyền, lớp tập huấn ở địa phương,... nên ngoài kênh bán hàng truyền thống, giờ tôi còn phát triển bán hàng thương mại điện tử”.
Với mục tiêu giảm nghèo thông tin cho người dân, thành phố đã nỗ lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật viễn thông, các dịch vụ viễn thông và Internet bảo đảm ổn định. Người dân, nhất là người nghèo được tiếp cận các thông tin tuyên truyền một cách đầy đủ, các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống kịp thời, nhanh chóng.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực, TP.Tân An đã tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo đã có sự chuyển biến, thay đổi nhận thức và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống./.
Thanh Nga