Tiếng Việt | English

12/09/2017 - 14:09

TP.Tân An phát triển hợp tác xã kiểu mới

Hiện nay, TP.Tân An, tỉnh Long An có 8 hợp tác xã (HTX) với hơn 300 xã viên, hoạt động trên các lĩnh vực: Giao thông - vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và 54 tổ kinh tế hợp tác với 684 tổ viên, hoạt động ở các ngành nghề: Chăn nuôi, trồng rau, dịch vụ làm đất, dịch vụ thu hoạch, sản xuất lúa giống, thanh long,...

Trong đó, có một số tổ hợp tác xây dựng quy chế làm việc riêng, có kế toán, thủ quỹ, hoạt động giống như mô hình HTX thu nhỏ. HTX Chăn nuôi bò Hướng Thọ Phú, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An được thành lập vào tháng 6/2017, có 43 thành viên. HTX chịu trách nhiệm cung ứng giống, vật tư, các dịch vụ khác và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đây là mô hình HTX được đánh giá có nhiều triển vọng, bởi các xã viên đầu tư chuồng trại kiên cố, có kinh nghiệm trong chăn nuôi, con giống được HTX cung cấp bảo đảm chất lượng.


Khó khăn của các tổ hợp tác là chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Thọ Phú - Lương Minh Hùng cho biết: "Toàn xã hiện có trên 1.300 con bò, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế, đầu ra sản phẩm từ bò gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường biến động. Trước thực tế đó, Hội Nông dân xã Hướng Thọ Phú vận động các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tham gia HTX chăn nuôi bò nhằm tạo sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương".

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn khẳng định: "Tuy số lượng HTX và tổ hợp tác trên địa bàn thành phố giảm so trước đây nhưng về quy mô và hình thức hoạt động ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế tập thể có đóng góp quan trọng, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là các HTX vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường thủy, đường bộ; sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện thắng lợi Đề án Phát triển nông nghiệp ven đô và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố".

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các HTX còn một số khó khăn do quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư. Nhiều HTX chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi vì không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể và mang tính khả thi.

Thực hiện Kế hoạch "Xây dựng và phát triển các HTX, tổ hợp tác trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020", TP.Tân An phấn đấu mỗi xã nông thôn mới có ít nhất 1 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, theo đúng Luật HTX năm 2012. Cụ thể, năm 2018, thành lập 1 HTX nông nghiệp tại xã Bình Tâm và An Vĩnh Ngãi; năm 2019, thành lập 1 HTX tại xã Lợi Bình Nhơn. Đến năm 2020, thành hố có 100% cán bộ HTX, tổ hợp tác trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới được tuyên truyền, đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư; tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế khác để mở rộng phạm vi, quy mô, thị trường, các chính sách thu hút nguồn nhân lực, chính sách về đất đai, chính sách tài chính, tín dụng; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới;... ./.

Kim Ngân

Chia sẻ bài viết