Tiếng Việt | English

03/07/2017 - 13:37

Phát triển hợp tác xã kiểu mới: Còn nhiều việc phải làm

Sau 4 năm triển khai, thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, một số HTX kiểu mới bước đầu được hình thành, thay thế dần những HTX kiểu cũ. Làm thế nào để quá trình chuyển đổi đi vào thực chất, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” đang là “bài toán” không đơn giản với các cấp, ngành, ban quản lý và chính các thành viên của HTX.


Đại biểu tỉnh dự cuộc họp sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp tại Cần Thơ (Trong ảnh: Đại biểu xem các sản phẩm nông nghiệp)

Vẫn còn gặp khó

“Khi triển khai, thực hiện Luật HTX năm 2012 (có hiệu lực vào 01/7/2013) còn gặp nhiều bất cập” - Đó là ý kiến chung của đại diện lãnh đạo các địa phương, HTX vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tại cuộc họp sơ kết thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vừa qua tại Cần Thơ. Các đại biểu cho rằng, chưa tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng, vốn tín dụng nhằm thúc đẩy HTX phát triển; còn nhiều khó khăn trong bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với HTX, liên hiệp HTX theo quy định Nghị định số 193/2013/NĐ-CP; định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp - theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg còn nhiều bất cập; thiếu nguồn vốn để thực hiện hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long;...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trần Thanh Nam, sau 4 năm thực hiện Luật HTX 2012, ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều HTX quy mô lớn với phương thức hoạt động phong phú. Việc tổ chức liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tiêu thụ nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, nhiều HTX thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Đến nay, có nhiều HTX đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỉ đồng, cá biệt có HTX có doanh thu trên 100 tỉ đồng như HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX Bò sữa Tân Thông Hội (TP.HCM). Bên cạnh đó, thu nhập của các thành viên HTX ở khu vực này cao hơn mức bình quân chung cả nước (2,8 triệu đồng/người/tháng so với cả nước 2 triệu đồng/người/ tháng) nên khuyến khích việc phát triển HTX dẫn đến mức tăng HTX cao hơn mức bình quân cả nước.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ gồm 19 tỉnh, thành phố - chiếm 19,38% diện tích và 36,76% dân số cả nước. Đây là khu vực có nhiều lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng và trình độ sản xuất các loại nông sản xuất khẩu: Lúa, gạo, trái cây, thủy sản. Hiện nay, cả 2 vùng có khoảng 1.624 HTX nông nghiệp (chiếm 15,14% so với cả nước).

Thực hiện Luật HTX năm 2012, bên cạnh những khó khăn thì tình hình phát triển HTX nông nghiệp trong vùng có sự chuyển biến tích cực. Các mô hình HTX chuyển đổi thích ứng với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay, cả 2 vùng có khoảng 27% HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Sau 4 năm thực hiện Luật HTX 2012 về cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển HTX trong tình hình hiện nay. Một số địa phương có hướng dẫn bổ sung các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt nên việc thực hiện Luật HTX đạt kết quả trong việc đăng ký lại hoặc giải thể hay thành lập mới,... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX.


Sau 4 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, bước đầu mang lại kết quả tích cực

Thực hiện Luật HTX 2012, hiện toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX (Liên hiệp HTX Long An, Liên hiệp HTX Cần Giuộc), tăng 1 liên hiệp HTX; có 90 HTX, tăng 49 HTX; 23 HTX ngưng hoạt động và số HTX giải thể so với thời điểm 01/7/2013 là 8 HTX. Về doanh thu, lợi nhuận: Tổng doanh thu liên hiệp HTX gần 1 tỉ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng; doanh thu HTX gần 100 tỉ đồng, lợi nhuận 3,5 tỉ đồng; so với thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực (01/7/2013), doanh thu tăng 83 tỉ đồng, lợi nhuận 2 tỉ đồng.

Bước đầu mang lại hiệu quả

Đối với Long An, sau 4 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, bước đầu mang lại kết quả tích cực, giúp các HTX nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động, góp phần vào sự phát triển KT-XH địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm cho biết: “Mô hình tổ chức HTX kiểu mới được xây dựng trong Luật HTX năm 2012 là tổ chức do các thành viên tự nguyện hợp tác với nhau nhằm tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình. Đây thực sự là phương thức mới góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường; Luật HTX năm 2012 nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình HTX kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các HTX hiện có hoạt động theo đúng bản chất HTX; bảo đảm quyền và lợi ích của hộ nông dân, người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt, luật quy định rõ bản chất, tổ chức quản lý của HTX; quyền, nghĩa vụ của HTX và thành viên.

Đồng thời, yêu cầu điều lệ của HTX cần phải quy định rõ: Mục tiêu hoạt động; mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên, HTX sử dụng; luật cũng khẳng định cơ cấu tổ chức HTX gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; đặc biệt tách bạch rõ chức năng quản lý (hội đồng quản trị) với chức năng điều hành HTX (giám đốc điều hành)”.


Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, huyện Châu Thành - Trương Quang An nói: “Khi HTX ra đời giải quyết hàng loạt bất cập. Chủ trương của HTX là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đẩy mạnh tìm thị trường tiêu thụ. Trong đó, đăng ký thành công nhãn hiệu độc quyền thanh long Tầm Vu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Pháp. Ngoài ra, còn xây kho lạnh, 2 nhà xưởng sơ chế, hệ thống sấy, đóng gói,... nhờ đó mà thanh long của HTX luôn hút hàng, xã viên có nguồn thu cao và ổn định. Tuy nhiên, thi hành Luật HTX 2012, HTX cũng gặp không ít khó khăn về chính sách hỗ trợ và tiếp cận nguồn vốn”.

Theo ông Phan Văn Liêm, để thực hiện tốt hơn việc phát triển kinh tế HTX theo tinh thần Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”,... Long An còn nhiều việc phải làm.

Thời gian tới, Long An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân về Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn pháp luật về HTX, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể (KTTT); củng cố các HTX hiện có và các HTX thành lập trong giai đoạn 2017-2020; xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT về hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới, đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cán bộ quản lý, thành viên HTX, hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ;... Trong giai đoạn 2017-2020, phấn đấu 70% HTX hoạt động hiệu quả; thành lập mới 60 HTX, trong đó có 40 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thu nhập bình quân lao động trong HTX đạt từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT và ban hành quy chế làm việc của cấp tỉnh, cấp huyện và một số ngành liên quan cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách KTTT nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KTTT, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển KT-XH./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết