Lực lượng chức năng P.Phố Huế (Hà Nội) phong tỏa y tế nhiều khu vực thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ vì phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID - Ảnh: NAM TRẦN
Con số trên gấp 4 lần so với thời điểm giữa tháng 10. Nhóm bệnh nhi trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển…
Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh không nên nghĩ trẻ em mắc COVID-19 sẽ nhẹ mà cần theo dõi sát các dấu hiệu bệnh của trẻ. Ngoài những trẻ có bệnh lý nền như béo phì, hen phế quản, sinh non nhẹ cân, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý ác tính... thường chuyển nặng thì cũng có những trẻ chuyển nặng do nhập viện trễ, dù không bệnh nền, đã tử vong.
Học sinh ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM được xét nghiệm COVID-19 để có thể đến trường từ ngày 20-10 - Ảnh: T.B.
Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học.
Cụ thể, trước khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp, trường học xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn, nêu rõ sự phối hợp với y tế địa phương (trạm y tế, trung tâm y tế).
Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục, bộ phận thường trực về công tác y tế trường học; cử cán bộ phụ trách y tế trường học tham gia tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm nhanh do trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức tập huấn.
Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định (nơi rửa tay, nhà vệ sinh có đủ xà phòng và nước sạch, thùng đựng chất thải sinh hoạt, chất thải y tế...), cung cấp nước uống an toàn, ly uống nước riêng... cho học sinh, tăng cường các biện pháp thông khí cho phòng học, phòng làm việc, bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định.
Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, phụ huynh học sinh, học sinh trước khi trở lại hoạt động…
Nhân viên trạm y tế lưu động phường 11, quận Tân Bình thăm hỏi và phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tiếp tục thực hiện đúng nghị quyết 128
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, một số nước xuất hiện chủng mới Omicron, Thủ tướng vừa có công điện nêu rõ sau gần hai tháng thực hiện nghị quyết số 128 ngày 11-10, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng tinh thần nghị quyết số 128; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do giãn cách xã hội, Thủ tướng cũng vừa có quyết định xuất cấp trên 4.880 tấn gạo cho các tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh và Sóc Trăng, trong đó riêng Sóc Trăng trên 4.596 tấn.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đề nghị xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường
Bộ Y tế hôm 4-12 vừa có công điện gửi UBND các tỉnh thành, cho biết còn một số địa phương tỉ lệ sử dụng vắc xin/số lượng được phân bổ còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vắc xin, có nguy cơ tử vong nếu nhiễm bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định, hoàn thành tiêm mũi 1 cho tất cả người đủ điều kiện tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian, đồng thời khẩn trương triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Cũng trong ngày 4-12, Bộ Y tế đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về tiêm chủng. Theo PGS Đặng Quốc Tuấn - ĐH Y Hà Nội - thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ xuất hiện phản ứng phản vệ với vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tiêm chủng là 1/5.000 - 1/6.000 mũi tiêm (thống kê tháng 10-2021), bệnh nhân đều được xử trí kịp thời nên hồi phục nhanh, không có ca tử vong.
Các triệu chứng của phản vệ bao gồm biểu hiện ở da, niêm mạc (gặp ở 80-90% số bệnh nhân phản vệ), như đỏ da, ngứa da, nổi mày đay, phù mạch, ngứa, phù và mẩn đỏ quanh mắt, môi, lưỡi; các triệu chứng hô hấp (gặp ở 70% bệnh nhân phản vệ) như ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, nói khàn, nói khó, đau họng, thở rít, ho, thở nhanh, nông, co thắt phế quản, tím và ngưng thở.
Bên cạnh đó, có các biểu hiện về tim mạch (gặp ở 45% bệnh nhân phản vệ) như đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc chậm, đánh trống ngực, hạ huyết áp, mạch nhỏ, đại tiểu tiện không tự chủ, sốc; các biểu hiện về tiêu hóa gặp ở 45% bệnh nhân như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội, từ 18h ngày 3-12 đến 18h ngày 4-12 ghi nhận 628 ca COVID-19, trong đó có 190 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa. Trong đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Hà Nội có 12.710 ca COVID-19, trong đó 5.023 ca cộng đồng, 7.687 ca cách ly. Hà Nội vừa cho phép điều trị tại nhà có điều kiện với các F0.
- Lào Cai tính đến 11h ngày 4-12 ghi nhận thêm 10 ca COVID-19 cộng đồng là học sinh. Tính đến 11h ngày 4-12, Lào Cai ghi nhận tổng số 202 ca COVID-19 và 10 ca COVID-19 chưa được cấp mã bệnh nhân. 155 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện. Hiện còn 47 bệnh nhân đang được cách ly.
- Thanh Hóa ngày 4-12 ghi nhận 104 ca COVID-19, trong đó có 74 người lây nhiễm trong tỉnh và 29 người là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 trở lại đây, tỉnh ghi nhận 2.875 ca COVID-19, trong đó có 1.854 người khỏi và ra viện, 12 người tử vong. Tỉnh đã tiêm được hơn 2,8 triệu liều vắc xin COVID-19.
- Ngày 4-12, Kon Tum ghi nhận 13 ca COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có 7 ca cộng đồng và 6 ca cách ly. Hiện tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 445 ca COVID-19, trong đó có 386 ca phát hiện tại các cơ sở cách ly và 59 ca cộng đồng.
- Quảng Bình từ 6h ngày 3-12 đến 6h ngày 4-12 ghi nhận thêm 16 ca COVID-19 mới, trong đó có 13 ca cộng đồng. Thống kê cho thấy từ ngày 7-10 đến 4-12, Quảng Bình ghi nhận 388 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch. Tổng số ca toàn tỉnh Quảng Bình từ trước tới nay hiện là 2.737 ca, trong đó 2.403 ca khỏi, 328 bệnh nhân đang điều trị (có 1 ca nặng), 6 ca tử vong.
- Quảng Ngãi sáng 4-12 ghi nhận thêm 25 ca dương tính, trong đó có 6 ca cộng đồng. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 2.938 ca COVID-19.
- Bến Tre từ 18h ngày 3-12 đến 11h ngày 4-12 có 452 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 9.801 ca. Trong đó có 4.374 ca ra viện, 70 ca tử vong. Trong số ca mắc mới, có 444 ca cộng đồng./.
Theo tuoitre.vn