Tri ân người có công
Thực hiện chính sách Đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, kịp thời động viên, giúp các gia đình ổn định cuộc sống.
Xây, sửa nhà cho người có công
Chúng tôi cùng cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, đến thăm gia đình ông Lê Thanh Liêm - thương binh 4/4, bệnh binh 61%, ngụ ấp 2, nay đã 76 tuổi. Vừa dọn căn nhà mới sửa chữa, ông Liêm không giấu được niềm vui: “Đây là căn nhà tình nghĩa xây dựng ngót nghét 20 năm nên đã xuống cấp nhiều. Nay được địa phương hỗ trợ tu sửa, tôi cảm động lắm!”.
Căn nhà tình nghĩa của ông Lê Thanh Liêm vừa được sửa chữa xong
Theo người thân trong gia đình, ông Liêm bị thương nặng ở phần đùi trái, còn nhiều mảnh đạn nằm sâu trong đầu, không thể phẫu thuật lấy ra hết. Vì vậy, mỗi khi “trái gió, trở trời”, ông lại phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Điều đặc biệt, ông chỉ nhớ nhiều về những chuyện chiến đấu ngày xưa, nhất là kỷ niệm với những đồng đội sát cánh cùng ông trên chiến trường.
Ông Liêm kể, ông quê Tiền Giang, 16 tuổi đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Được tổ chức cho đi học ở Hà Nội 2 năm, sau đó ông trở về miền Nam chiến đấu với vai trò lính đặc công. Suốt hơn 10 năm lăn lộn khắp chiến trường từ miền Đông đến miền Tây để lại cho ông nhiều vết thương tưởng chừng như không qua khỏi. Ấy vậy mà, ông cùng đồng đội vẫn kiên cường bám trụ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất.
Sau năm 1975, ông lập gia đình và về sinh sống tại quê vợ ở ấp 2, xã Nhựt Chánh. Nhà không có ruộng đất, vợ chồng ông làm mướn đủ nghề mới nuôi được 5 người con khôn lớn. “Nếu không được lãnh đạo địa phương quan tâm, chắc gia đình tôi vẫn còn sống trong căn nhà lụp xụp. Vợ chồng tôi xin cảm ơn Đảng và Nhà nước!” - ông Liêm bộc bạch.
Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng
Bên cạnh chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, nhiều năm nay, việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) cũng được các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt. Không chỉ hỗ trợ về vật chất như xây, sửa nhà, tặng quà vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, các mẹ còn được thăm hỏi thường xuyên, động viên về tinh thần và chăm sóc sức khỏe.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển bên di ảnh của con trai. Ở tuổi xế chiều, mẹ luôn được địa phương quan tâm, chăm sóc giúp mẹ sống vui, sống khỏe
Căn nhà tường ấm cúng tại khu phố Bình Quân 2, phường 4, TP.Tân An, là nơi Mẹ VNAH Phạm Thị Uyển vui vầy bên con cháu. Ở tuổi xế chiều, mẹ sống với người con trai út. Thắp nén nhang lên bàn thờ chồng là liệt sĩ Huỳnh Văn Mừng và con là liệt sĩ Huỳnh Văn Hai, mẹ bùi ngùi nói, ngoài chồng và người con trai đầu, trong gia đình còn có cha và 4 người em trai hy sinh trong kháng chiến. Mẹ ruột và mẹ chồng đều được tặng danh hiệu Mẹ VNAH.
Bước vào tuổi 92, sức khỏe mẹ Uyển đã suy giảm nhiều. Mấy chục năm qua, lúc nào mẹ cũng nhớ đến người chồng và con trai đã hy sinh. Đó là nỗi đau giày xé trong tim mẹ, đồng thời cũng là động lực thôi thúc mẹ tiếp tục sống và làm cách mạng. Mẹ tâm sự: “Mất đi người thân, ai mà không đau nhưng chiến tranh là vậy, rất nhiều người cũng đã hy sinh, có riêng gì gia đình mẹ. Dù phải chịu mất mát nhưng mẹ luôn tự hào vì chồng, cha, em và con trai mẹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nước, vì dân”.
Hòa bình lập lại, mẹ trở về quê hương và làm công tác phụ nữ tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, sau đó chuyển về phường 4, TP.Tân An. Hết bận rộn với công tác ở phường, khi nghỉ hưu lại được tín nhiệm giao đảm nhận các công việc ở khu phố, đến 82 tuổi, mẹ mới thật sự nghỉ ngơi. Cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho quê hương đất nước. Dù hôm nay hay muôn đời sau, mẹ vẫn luôn là tấm gương sáng cho con, cháu về sự hy sinh cao cả của mình.
Mỗi căn nhà, mỗi phần quà được trao tặng dù không thể bù đắp những mất mát, hy sinh của các gia đình nhưng cũng phần nào xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.
Thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, từ ngày 13-01-2020, tỉnh triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng. Theo kế hoạch, có 462 căn nhà được hỗ trợ, trong đó, 52 căn xây mới và sửa chữa 410 căn. Nhà xây mới có mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/căn. Nhà sửa chữa có mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn. Tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng, sửa chữa nhà dự kiến trên 15,4 tỉ đồng. Các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An hỗ trợ 107 căn với kinh phí do địa phương chủ động vận động thực hiện. Các huyện còn lại và thị xã Kiến Tường hỗ trợ 355 căn, kinh phí do UBND tỉnh vận động và hỗ trợ địa phương thực hiện. |
An Kỳ
- Hỗ trợ nhà ở cho người có công (09/01)
- Cùng cựu chiến binh viết tiếp câu chuyện xanh (09/01)
- 'Cơn sốt' những chiếc hộp bí mật (09/01)
- Thăm, tặng quà công nhân, lao động tại doanh nghiệp (09/01)
- Kiến Tường: Trao tặng bảng tượng trưng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo (09/01)
- Nông dân tất bật chăm sóc hoa tết (09/01)
- Năm 2024: Long An ước tính thiệt hại hơn 33,3 tỉ đồng do thiên tai (09/01)
- Thực hiện nhiều giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn (09/01)