Tiếng Việt | English

10/05/2024 - 09:00

Triển khai đánh giá DDCI - Nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Để cải thiện xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Long An triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) tỉnh năm 2023.

DDCI Long An được xây dựng với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế tại tỉnh

Bộ chỉ số DDCI của tỉnh được xây dựng dựa trên cách tiếp cận và kế thừa về phương pháp luận của Bộ chỉ số PCI do VCCI thực hiện và khảo sát nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện để nâng cao chất lượng điều hành KT-XH của tỉnh.

Đây cũng là mục tiêu mà UBND tỉnh đặt ra để các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cùng đồng lòng, chung tay cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế của đơn vị, địa phương, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Cụ thể, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh kế thừa chỉ số thành phần cơ bản cũng như một phần các chỉ tiêu của Bộ chỉ số PCI, gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động của lãnh đạo; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; Tiếp cận đất đai.

Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện đánh giá DDCI. Việc lựa chọn đối tượng đánh giá phải phù hợp với thực tế nhiệm vụ của từng đơn vị. Theo đó, đối tượng đánh giá DDCI cấp sở, ban, ngành là 19 đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh và  DDCI cấp địa phương sẽ đánh giá đối với 15 đơn vị UBND cấp huyện. Đối tượng tham gia khảo sát, đánh giá là các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có phát sinh giao dịch, sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc tương tác giữa DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh với các sở, ban, ngành, địa phương trong năm.

Triển khai đánh giá DDCI cần bảo đảm tính chính xác, khách quan, làm cơ sở để xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, đồng hành cùng DN. Đó cũng là mục tiêu của tỉnh.

Trên cơ sở kế thừa Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện, mẫu khảo sát sẽ được lựa chọn xác suất bằng phương pháp phân tầng ngẫu nhiên theo tỷ lệ phát sinh các thủ tục hành chính hoặc tương tác của các sở, ban, ngành, địa phương với các nhóm đơn vị kinh doanh, gồm DN, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm tính đại diện trong việc đánh giá. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn độc lập sử dụng nhiều phương thức khảo sát, trong đó có khảo sát qua làm việc, phỏng vấn trực tiếp đối với các đối tượng đánh giá để bảo đảm độ tin cậy của dữ liệu.

Trong điều tra DDCI, đơn vị tư vấn độc lập sử dụng các phân tầng về loại hình DN, ngành nghề hoạt động kinh doanh, quy mô vốn của DN; danh sách các đối tượng tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách được trích xuất từ hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện có phát sinh giao dịch thủ tục hành chính với các sở, ban, ngành, địa phương trong năm nhằm bảo đảm ý kiến phản hồi của DN là xác đáng nhất.

Quá trình chọn mẫu ngẫu nhiên hàm ý các DN có cùng loại hình, ngành nghề hoạt động kinh doanh và quy mô vốn sẽ có xác suất được lựa chọn như nhau. Các DN thuộc mỗi phân tầng sẽ ứng với phân bố trong tổng thể. Sau khi hoàn thành việc chọn mẫu, đơn vị tư vấn độc lập cũng sẽ thận trọng so sánh mẫu điều tra với tỷ lệ tổng thể của tỉnh để bảo đảm mẫu điều tra là đại diện cho tổng thể.

Bức tranh kinh doanh của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đan xen nhiều gam màu sáng, tối. Kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 tiếp tục còn nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng của DN còn chậm. Tuy vậy, qua kết quả khảo sát, đánh giá chung về môi trường đầu tư, kinh doanh, phần lớn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều đồng ý rằng, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện hơn và chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết của tỉnh trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch đã được ghi nhận. Từ kết quả trên, các đơn vị, địa phương sẽ có những điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế tại tỉnh./.

Lần đầu tiên thực hiện tại tỉnh, DDCI Long An được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp sở, ban, ngành và địa phương - những cấp chính quyền có tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức kinh tế như hộ kinh doanh, DN, hợp tác xã và các nhà đầu tư.

Trên nền tảng kinh nghiệm nhiều tỉnh, thành phố thực hiện trước đó, nghiên cứu và áp dụng trên thực tiễn địa phương, DDCI triển khai tại tỉnh bắt đầu từ năm 2023 được xem như một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của tỉnh hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh một cách toàn diện, bền vững

Sở KH - ĐT

Chia sẻ bài viết