Những nguyên nhân gián tiếp gây đột quỵ
Ngày 23.11, bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Duy Khoa, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết các nghiên cứu có ghi nhận tỷ lệ đột quỵ gia tăng khi thời tiết trở lạnh. Về nguyên nhân, khả năng thời tiết lạnh không phải là một yếu tố nguy cơ độc lập cho đột quỵ mà ảnh hưởng gián tiếp qua nhiều yếu tố khác.
Thứ nhất thời tiết lạnh sẽ làm co mạch dẫn đến tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định.
Thứ 2, thời tiết lạnh làm thay đổi thói quen ăn uống, vận động và sinh hoạt dẫn đến các yếu tố nguy cơ mạch máu khó kiểm soát hơn
Thứ 3, thời tiết lạnh làm ta ít có cảm giác khát, ít uống nước hơn dẫn đến cô đặc máu và dễ tạo cục máu đông hơn.
Ít uống nước cũng là nguyên nhân dẫn đến cô đặc máu và dễ tạo cục máu đông hơn
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ
Theo bác sĩ Khoa, các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh cũng tương tự như các dấu hiệu đột quỵ thông thường khác. Chúng ta có thể dựa theo nguyên tắc F.A.S.T để nhận biết dấu hiệu đột quỵ, bao gồm:
F (Face - Khuôn mặt): Người bệnh có dấu hiệu chảy xệ một bên gương mặt, mí mắt sụp xuống. Chúng ta có thể yêu cầu người bệnh cười để quan sát 2 bên mặt xem có mất cân đối, méo lệch qua 1 bên...
A (Arms - Cánh tay): Tay và chân mệt mỏi khó cử động, yếu, tê liệt một bên tay hoặc một bên cơ thể. Người bệnh không thể cùng lúc nâng hai tay lên quá cao khỏi đầu, nâng thẳng tay.
S (Speech - Lời nói): Người bệnh nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh,…
T (Time - Thời gian): Khi thấy một người có một hoặc các dấu hiệu trên, bạn cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt để người bệnh được can thiệp kịp thời, hạn chế biến chứng do đột quỵ.
Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ khi trời trở lạnh
Bác sĩ Duy khoa cho biết, để phòng ngừa, chúng ta không thể làm thay đổi thời tiết, nhưng chúng ta có thể giữ ấm cơ thể khi ra ngoài lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, duy trì thói quen vận động và tránh các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống bia rượu. Duy trì chế độ thuốc đều đặn (nếu có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường,...) và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nhóm người có đề kháng kém cần lưu ý
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, khoa Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, chia sẻ trong thời tiết chuyển lạnh cuối năm để phòng tránh đột quỵ, nhóm người có đề kháng kém như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... không nên ra trời gió lạnh đột ngột. Đặc biệt ở những vùng miền rét lạnh, khi thức giấc dậy buổi ssng, không nên vội ra khỏi chăn ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng để cơ thể nóng dần lên và thích nghi với thời tiết nhiệt độ bên ngoài.
Ngâm chân trước khi ngủ giúp tăng cường lưu thông máu
"Duy trì thói quen uống một ly nước ấm trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, dùng thức ăn ấm nóng", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, đông y quan niệm bàn chân là "trái tim thứ 2 của cơ thể" với nhiều huyệt vị quan trọng. Nếu để chân bị lạnh, các mạch máu ở tay và chân co lại, làm giảm lượng máu lưu thông. "Do đó trước khi đi ngủ nên xoa bóp, ngâm chân với nước ấm hoặc thảo dược, lau khô và mang vớ chân (nếu thời tiết lạnh). Điều này không chỉ giúp máu huyết lưu thông, giảm nguy cơ bệnh tật mà còn giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Chú ý khi ngâm chân không nên đột ngột đưa chân vào nước nóng, trong khi thời tiết đang rất lạnh sẽ dễ dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt, phình vỡ mạch máu" bác sĩ Vũ chia sẻ./.
Theo Thanh niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/troi-lanh-co-lam-tang-nguy-co-dot-quy-185231122121900919.htm