Tiếng Việt | English

15/02/2019 - 11:17

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong cuộc đua dữ liệu năm 2025

Theo hãng dữ liệu International Data Corporation (IDC) và hãng lưu trữ Seagate, Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều dữ liệu hơn Mỹ đến năm 2025 khi nước này đẩy mạnh nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như Internet Vạn vật (IOT).

Kỹ sư hệ thống làm việc với các máy chủ tại trung tâm dữ liệu. Ảnh: AFP/Getty Images

Kỹ sư hệ thống làm việc với các máy chủ tại trung tâm dữ liệu. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo báo cáo do hai công ty trên đưa ra, dữ liệu được tạo ra và sao chép tại Trung Quốc sẽ vượt xa mức trung bình toàn cầu khoảng 3% mỗi năm. Năm 2018, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tạo ra khoảng 7,6 zettabyte (ZB) dữ liệu, con số này sẽ tăng đến mức 48,6 ZB năm 2025. Trong khi đó, Mỹ tạo khoảng 6,9 ZB dữ liệu năm ngoái, và được dự báo tạo 30,6 ZB năm 2025. 1 ZB tương đương khoảng 1.000 tỉ gigabyte (GB).

Dữ liệu ngày càng quan trọng. Nó được xem là loại tiền tệ mà nền kinh tế thế giới dựa vào. Giới phân tích thuộc IDC viết trong báo cáo: “Dữ liệu là trung tâm của thế giới kỹ thuật số và chúng ta đang ngày càng trở thành nền kinh tế thông tin”. Dữ liệu càng thiết yếu hơn khi nhiều công nghệ thế hệ kế tiếp, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và IOT rất cần nó.

Giới doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để tiếp cận thị trường mới, cải thiện dịch vụ khách hàng và trong một số trường hợp, tạo ra nguồn doanh thu mới bằng cách bán thông tin đó. “Dữ liệu có thể không nằm trên bảng cân đối tài chính, song là tài sản vô hình quý giá nhất của doanh nghiệp, có thể tạo lợi thế cạnh tranh trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số”, báo cáo cho hay.

Giới phân tích dẫn ví dụ cách Tencent và Alibaba thách thức ngân hàng truyền thống ở Trung Quốc bằng cách giới thiệu nhiều dịch vụ thanh toán kỹ thuật số như WeChat Pay, Alipay, được người dùng đón nhận rộng rãi. Bằng lượng dữ liệu người dùng khổng lồ thu thập được nhiều năm qua, các hãng này tạo ra dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, phù hợp với hành vi và sở thích cụ thể của khách hàng.

Ứng dụng Alipay và WeChat Pay phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ứng dụng Alipay và WeChat Pay phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đến năm 2025, tổng lượng dữ liệu mới được tạo ra được dự báo tăng lên 175 ZB từ ngưỡng 33 ZB năm ngoái. Sức tăng chủ yếu đến từ dữ liệu được thu thập từ các nền tảng giải trí, cảnh quay video giám sát, thiết bị kết nối với internet, công cụ năng suất và siêu dữ liệu. Chúng rất quan trọng trong việc phân tích, bối cảnh hóa thông tin.

Dữ liệu là tin vui với doanh nghiệp nhưng là nguồn lo ngại với nhiều người khác về cách thông tin được dử dụng. Dữ liệu thu thập từ mạng xã hội và nhiều dịch vụ miễn phí khác thường được các hãng quảng cáo dùng để nhắm mục tiêu vào một số nhóm khách hàng nhất định.

“Thông tin cá nhân của chúng ta đang được vũ khí hóa để chống lại chúng ta”, thành viên chính sách công nghệ Ayden Férdeline tại Mozilla Foundation cho hay. Ông Férdeline nói rằng việc một nhà quảng cáo xác định ai đó có nuôi mèo, đặt mục tiêu quảng cáo thức ăn cho mèo đến họ là chuyện có tác hại rất nhỏ. Song việc một nhà quảng cáo nhắm đến một người thiếu tự tin về ngoại hình để giới thiệu phẫu thuật thẩm mỹ, thuốc giảm cân không được các hội đồng y tế chấp thuận lại là chuyện có thể nguy hiểm.

Vấn đề mở rộng ra bên ngoài việc buôn bán sản phẩm cá nhân hóa. Năm ngoái, Facebook từng bị chỉ trích sau thông tin hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica có quyền thu thập thông tin của 87 triệu người dùng Facebook./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết