Cán bộ Tư pháp thị trấn Cần Đước tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho hai bạn trẻ chuẩn bị kết hôn
Hiện tại, bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên môn, Trung tâm DS-KHHGĐ Cần Đước còn ký kết liên tịch với các ngành, Mặt trận, đoàn thể hỗ trợ phù hợp theo chức năng của mình. Theo đó, ngay từ cơ sở, ngành đã lồng ghép, đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ DS-KHHGĐ vào quy ước ấp, khu phố. Đến nay, 100% ấp, khu phố đã đưa các chính sách dân số vào quy ước.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phát động hội viên thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, lồng ghép các mô hình tuyên truyền thông tin như: Tổ không có người sinh con thứ ba trở lên, tổ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) KHHGĐ, tổ chăm sóc SKSS vị thành niên,… Hội Nông dân huyện phát động đăng ký gia đình hội viên không có người sinh con thứ 3 trở lên; xây dựng mô hình điểm về chi hội không có người sinh con thứ 3 đồng thời phát triển đến các ấp và toàn xã.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Đước - Trần Văn Chêm cho biết, ngay từ đầu năm, hội đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã ký kết liên tịch, kết hợp tuyên truyền đến các hội viên về chính sách DS-KHHGĐ, đồng thời tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về giới tính, tham gia tuyên truyền hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam, Bảo vệ chăm sóc trẻ em kết hợp với Tháng hành động vì trẻ em 2015, lồng ghép công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ,… Tất cả đều nhận được nhiều sự quan tâm, tham dự của hội viên.
Đoàn Thanh niên cũng là một trong những thành viên tích cực tuyên truyền chăm sóc SKSS vị thành niên. Thông qua các hội thi tìm hiểu kiến thức DS, các buổi sinh hoạt chuyên đề, thành lập các câu lạc bộ (CLB) Tiền hôn nhân, CLB Chăm sóc SKSS vị thành niên. Ngành văn hóa, tư pháp cũng phối hợp cùng Trung tâm DS-KHHGĐ hỗ trợ ấp, khu phố xây dựng và bổ sung quy ước về các chính sách dân số cho người dân địa phương. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để nhìn lại quá trình phấn đấu, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân số ở ấp, khu phố, đồng thời phát động nhân dân tiếp tục duy trì, phát huy trong thời gian tới.
Chị Trần Thị Tâm, ngụ ấp Xóm Mới, xã Tân Lân, cho biết: “Nhờ cán bộ DS-KHHGĐ, cộng tác viên dân số thường xuyên chia sẻ, tuyên truyền thông tin cần thiết giúp người dân chúng tôi nắm bắt và thực hiện. Tôi có 2 con, một cháu sinh năm 2003, một cháu sinh năm 2005. Dù công việc hiện tại cũng ổn định, có việc làm, thu nhập ổn định, nhưng tôi vẫn thực hiện tránh thai bằng cách đặt vòng hơn 10 năm nay, để nuôi dạy con tốt”.
Theo Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cần Đước - Trần Kim Liên, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ thực hiện công tác dân số rất chặt chẽ. Mỗi một đơn vị đều có kế hoạch riêng của ngành nhằm triển khai các chính sách dân số kịp thời, sâu rộng đến từng hội viên và người dân. Hiện tại, toàn huyện có 7 xã (Long Trạch, Phước Vân, Mỹ Lệ, Long Hòa, Long Sơn, Phước Tuy, Long Hựu Tây) không có người sinh con thứ 3 trở lên. Công tác khám sức khỏe tiền hôn nhân luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh cũng đạt kế hoạch. Các phụ nữ mang thai trên địa bàn được vận động tham gia sàng lọc tầm soát dị tật thai nhi. Trẻ em sau khi sinh được lấy máu gót chân để đăng ký tham gia sàng lọc.
Cần Đước có địa bàn khá rộng (17 xã), nên công tác dân số cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn nhất chính là các đối tượng được tuyên truyền nhận thức được nhưng chuyển đổi hành vi không bền vững. Do đó, mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên đã xây dựng từ năm 2005-2010 nhưng vẫn không thành công. Qua quá trình kiên trì phấn đấu, đến năm 2011 mô hình mới thành công tại xã đầu tiên là Long Trạch và duy trì cho đến tận bây giờ.
Có thể nói, trong công tác dân số, một ngành đơn lẻ không thể nào làm được mà phải tác động từ nhiều phía, nhiều ngành và lĩnh vực, chính nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, chặt chẽ từ các đơn vị mà công tác DS-KHHGĐ của huyện luôn được duy trì. Từ đó, Cần Đước trở thành một trong những địa phương luôn đạt thành tích tốt trong công tác, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng thế hệ mai sau của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung./.
Ngọc Mận-Phạm Ngân