Tiếng Việt | English

09/09/2021 - 10:54

Từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 - Hân hoan nhưng không chủ quan

Qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, 8 địa phương “vùng xanh” của tỉnh Long An được thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đòi hỏi người dân càng phải ý thức hơn để duy trì thành quả chống dịch.

Qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, 8 địa phương “vùng xanh” của tỉnh Long An được thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đòi hỏi người dân càng phải ý thức hơn để duy trì thành quả chống dịch.

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên Đường tỉnh 836B tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, giáp xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vào địa bàn

Nới lỏng chứ không thả lỏng

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Do đó, các huyện, thị “vùng xanh” vẫn tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Huỳnh Kim Tùng cho biết: “Tại các tiệm bán thức ăn, hiệu thuốc, huyện tăng cường nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm giãn cách, không tụ tập đông người và chỉ được bán mang về. Tại khu vực giáp ranh, huyện duy trì chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 như trước nay. Huyện có 3 chốt giáp ranh, gồm: Chốt trên Đường tỉnh 836B (xã Thạnh An giáp xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang); chốt trên Quốc lộ 62 (xã Tân Đông giáp huyện Thủ Thừa); chốt trên Quốc lộ N2 thuộc xã Thuận Nghĩa Hòa giáp huyện Thủ Thừa. Ngoài ra, huyện có 3 đội lưu động, mỗi xã có tổ lưu động kiểm soát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của người dân”.

“Trung bình mỗi ngày, khu vực này có khoảng 100-200 phương tiện vận chuyển nông sản từ phía Tiền Giang qua chốt. Hầu hết đều có giấy tờ, đăng ký nhận diện “luồng xanh”. Khi qua chốt, chúng tôi yêu cầu phải có phiếu xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 còn hiệu lực, quét mã QR đúng lộ trình còn thời hạn, khai báo y tế điện tử. Lực lượng kiểm soát nghiêm để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn” - Đại úy Nguyễn Minh Nhã - phụ trách Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên Đường tỉnh 836B, thông tin.

Người dân được phép mua thức ăn mang về nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng dịch

Người dân được phép mua thức ăn mang về nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng dịch

Giữ vững thành quả phòng, chống dịch

Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị còn có sự ý thức từ người dân. Để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, không để dịch bệnh xâm nhập vào “vùng xanh”, các chốt chặn khu vực giáp ranh vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân, quản lý chặt người và phương tiện ngoài địa bàn ra, vào, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Huỳnh Kim Tùng, dù các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng hơn so với trước đây nhưng huyện vẫn tăng cường ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm quy định, không để người dân có tâm lý chủ quan thì thành quả phòng, chống dịch sẽ khó có thể duy trì.  Được biết, từ ngày 06/9 đến 14 giờ ngày 07/9, huyện Thạnh Hóa tổ chức tuần tra 21 lượt, lập 2 biên bản (ra khỏi nhà không thật sự cần thiết), hướng dẫn không cho 7 phương tiện ngoài huyện vào địa bàn, nhắc nhở 11 trường hợp chưa bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, trong ngày cũng xử phạt 10 trường hợp với số tiền 15 triệu đồng do chưa thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP; không thực hiện quy định về phòng, chống dịch.

Thị xã Kiến Tường cũng nỗ lực kiểm soát, tránh tình trạng người dân chủ quan khi được nới lỏng giãn cách từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15/CT-TTg. Phó Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thị Lụa cho biết: “Thị xã cho phép người dân lưu thông trong phạm vi xã, phường theo quy định; nếu đi từ xã, phường này qua xã, phường khác trong trường hợp cần thiết thì phải có giấy xác nhận của chính quyền cấp xã. Trường hợp ra ngoài thị xã thì có xác nhận của Chủ tịch UBND thị xã để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh. Thị xã có 3 tổ; mỗi xã, phường có 1 tổ tuần tra lưu động kiểm tra việc phòng, chống dịch của người dân. Các chốt chặn giữa khu phố, ấp được dỡ bỏ nhưng địa phương vẫn duy trì chốt cố định liên xã, liên huyện. Ban Chỉ huy Phòng, chống dịch thị xã cũng lưu ý chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, đặc biệt là các trường hợp tập trung đông người, không bảo đảm giãn cách theo quy định tại các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa, ATM,...”.

Bà Vũ Toàn Linh - chủ cửa hàng bánh mì tại thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Được bán hàng trở lại, tôi rất phấn khởi nhưng vẫn cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh. Tôi yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách để bảo đảm phòng dịch. Tôi luôn đeo khẩu trang, giăng dây tại cửa hàng để khách hàng không tiếp xúc gần”.

Sau quãng thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc được buôn bán, kinh doanh trở lại, được đi lại dễ dàng hơn sẽ khiến người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Do đó, các địa phương “vùng xanh” phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch; tuyệt đối không để nảy sinh tư tưởng chủ quan, xem nhẹ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lực lượng chức năng càng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để vì chủ quan mà làm mất đi thành quả đã duy trì, nỗ lực trong thời gian qua./.

Theo Công văn số 8812/UBND-VHXH, ngày 06/9/2021 về việc tiếp tục áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng tại các địa phương “vùng xanh”:

a) Không tập trung trên 10 người ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

b) Tiếp tục tạm dừng các hoạt động hội họp, sự kiện không thật sự cần thiết tập trung trên 20 người trong 1 phòng.

c) Tiếp tục dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 10 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

d) Tiếp tục tạm dừng hoạt động của chợ truyền thống.

đ) Các cơ sở dịch vụ nhà hàng; cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát được hoạt động nhưng chỉ phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ và phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

e) Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ,... được hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch theo quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế; trong đó lưu ý đảm bảo yêu cầu “5K” của Bộ Y tế và khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc.

g) Tiếp tục tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

h) Tiếp tục tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm hành chính công huyện, thị xã. Trường hợp có nhu cầu cần giải quyết, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.

k) Tiếp tục duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các vị trí ra, vào giữa các địa phương, đặc biệt tại vị trí kết nối giữa các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 với các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 và giữa các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 với nhau.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết