Tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Đến nay, đã có 12 trường đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm mô hình tự chủ.
Tăng học phí có gây khó cho người học?
Nghị định 77 của Chính phủ cho phép các trường đại học khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Cụ thể, các trường có Đề án đổi mới cơ chế hoạt động được Chính phủ giao quyền tự chủ ở mức cao hơn về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, được thu mức học phí cao hơn so với quy định chung.
Nhiều trường đặc thù vẫn e dè khi thực hiện mô hình tự chủ tài chính (Ảnh minh họa)
Các trường đều khẳng định, tự chủ đại học là một quy luật khách quan mà các trường đều phải thực hiện. Tuy nhiên, nhiều trường lo lắng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện tự chủ về tài chính thì tất yếu phải tăng học phí. Tăng học phí sẽ gây khó khăn cho người học, đặc biệt là với các ngành học đặc thù, có thời gian đào tạo dài như y, dược. Nếu mức học phí tăng quá cao sẽ là rào cản đối với người học khi chọn trường.
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đối với trường Y, học phí cũng phải đi theo quy luật đó là không thể thấp được. Tuy nhiên, khi chúng ta tăng học phí như vậy, lộ trình nhanh như vậy thì lo ngại đến sức chịu đựng và sự phản ứng của của người học và của xã hội. Việc sinh viên phải đi vay tiền để học đó là một gánh nặng, khó khăn. Đồng thời chúng tôi cũng lo nghĩ đến chuyện khi học lâu như thế, học phí mất nhiều tiền như thế, sau khi tốt nghiệp xong, công việc sẽ như thế nào và mức lương thu nhập sẽ ra làm sao”.
Một số ý kiến cũng lo ngại, nếu không làm tốt việc giao quyền tự chủ cho các trường có thể sẽ dẫn đến việc tăng học phí, số lượng tuyển sinh mà không chú trọng chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, mục tiêu của tự chủ là nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì trường phải có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất tốt, chương trình cải tiến…
Để làm được những điều này đều cần tiền, mà muốn có tiền phải có người học. Thế nhưng, với các trường văn hóa nghệ thuật thì tất cả những điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học đều đang gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Cương cho rằng: “Các trường văn hóa nghệ thuật đều đào tạo đặc thù, quy mô sinh viên của các trường không lớn, cơ sở vật chất đều ở mức độ khiêm tốn nếu so với nhu cầu. Đội ngũ quản lý quản trị đại học chưa thật mạnh. Các trường đều gặp khó khăn về công tác tuyển sinh, số lượng thí sinh đến dự tuyển ngày càng giảm. Đề nghị có một lộ trình thích hợp với các trường văn hóa nghệ thuật, xây dựng những trường trọng điểm quốc gia về văn hóa nghệ thuật. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng, đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo”.
Bên cạnh đó, với các trường đào tạo ngành nghề thuộc khối kỹ thuật đòi hỏi chi phí đào tạo cao, nếu không có ngân sách nhà nước hỗ trợ thì rất khó thực hiện tự chủ về tài chính.
Tự chủ không có nghĩa Nhà nước “buông tay”
Trước những băn khoăn, lo lắng của nhiều trường về vấn đề tự chủ đại học, tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới khối đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ đại học là xu thế của phát triển. Giao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học không có nghĩa là Nhà nước “buông tay” hoàn toàn.
“Về tài chính, nói là tự chủ nhưng không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư gì cho đại học nữa. Ví dụ chúng ta sẽ có cơ chế cấp học bổng theo đối tượng, theo ngành nghề tùy theo địa bàn và thời gian cần thiết. Chúng ta sẽ có cơ chế đầu tư để tăng cường cơ sở nghiên cứu khoa học theo các chương trình phát triển khoa học công nghệ. Khi mình chưa chính thức thì làm thí điểm, có đề án xây dựng cụ thể chứ không nên hiểu cực đoan là làm tự chủ tức là tự mình làm hết rồi Nhà nước thì buông là không đúng” – Phó Thủ tướng phát biểu.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ đại học là quyền lợi của các trường, nhưng việc thực hiện tự chủ phải đúng theo quy định của pháp luật. Nhà nước sẽ tạo ra công cụ kiểm tra chất lượng, giám sát việc thực hiện những quy định pháp luật tại các trường./.
Minh Hường/VOV-Trung tâm Tin