Một bức ảnh đã qua xử lý AI
Để tạo ảnh AI, người dùng chỉ cần tải tấm ảnh mình thích, sau đó tùy chọn, ứng dụng sẽ gợi ý bằng hàng chục khung hình mẫu với đủ kiểu dáng từ già đến trẻ, từ hiện đại trở lại cổ điển, từ màu đậm đến màu nhạt,... và cho kết quả. Người dùng có thể chọn bản ưng ý nhất với thay đổi về kiểu dáng, thời trang, phong cách,...
Thay vì phải bỏ tiền thuê hoặc nhờ ai đó chụp ảnh, nhiều người tìm đến ứng dụng AI cho phép họ "tự chụp" từ ảnh chân dung cho đến ảnh du lịch trở nên chuyên nghiệp giống như trong studio.
AI là gì?
Trí tuệ nhân tạo, tiếng Anh gọi là AI (Artificial Intelligence), là khả năng tự động mô phỏng quá trình tư duy, hành vi và nhận thức của con người thông qua máy móc hoặc chương trình máy tính để thay thế hoặc áp dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
Một số điện thoại mới ra mắt những năm gần đây đã nâng cấp để có cả phần cứng và phần mềm được tối ưu hóa cho AI. Những con chip là bộ não của AI. Chúng được thiết kế để xử lý nhanh các dữ liệu được thu nhận và phản hồi, cho ra những hình ảnh tương đồng.
Ngoài các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được đưa vào nhiếp ảnh phong cảnh trên các điện thoại thông minh thì người ta còn ứng dụng nó vào việc chụp ảnh selfie, mà cụ thể hơn là nhận diện khuôn mặt và khung cảnh thông qua cảm biến để cho ta rất nhiều bức ảnh với vị trí và độ sâu khác nhau, cuối cùng cho ra một bức ảnh selfie hoàn chỉnh.
Sự phát triển của AI phục vụ đời sống con người
AI đã, đang và sẽ không ngừng phát triển để phục vụ đời sống của con người nói chung và việc chụp ảnh trên các thiết bị thông minh nói riêng. Người biết sử dụng các công nghệ mới vào đời sống hàng ngày là những người hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của nó trên các máy móc, thiết bị được trang bị AI.
Sự tiến bộ của công nghệ luôn đóng vai trò thúc đẩy đối với nhiếp ảnh kỹ thuật số, với sự hỗ trợ của các công cụ ngày một tinh vi và tiện lợi. Sự xuất hiện của AI, nhất là trong lĩnh vực tạo ra hình ảnh, công nghệ này được gọi là AI sáng tạo (generative AI), là một trong những bước phát triển ấn tượng nhất mà các lĩnh vực sáng tạo đã từng chứng kiến. Chỉ bằng một cú nhấp chuột hay một câu lệnh, giờ đây, người dùng có thể dễ dàng thực hiện những việc như xóa nền, thay đổi kiểu ảnh, phát hiện khuôn mặt, nhận dạng môi trường, thêm họa tiết, làm sắc nét hoặc tô màu thêm cho ảnh,...
Sự phát triển của AI trong lĩnh vực nhiếp ảnh đã mang đến cho con người nhiều lợi ích nhưng nó cũng gây ra nhiều phiền toái. Chúng ta chỉ nên dùng trí tuệ nhân tạo như công cụ vào thiết kế, tạo ý tưởng. Nhiếp ảnh ghi lại khoảnh khắc chân thực của cuộc sống tại thời điểm nhất định. AI chỉ pha trộn dữ liệu chúng ta đưa cho vào với nhau, tạo ra sản phẩm như yêu cầu. AI chỉ là công cụ, không thể thay thế được sản phẩm của con người.
Nhiếp ảnh truyền thống khác với ảnh chỉnh sửa qua AI như thế nào?
Dù phải khâm phục khả năng xử lý của trí tuệ nhân tạo trong nhiếp ảnh nhưng chúng ta phải hiểu rằng, ảnh do AI tạo ra và nhiếp ảnh truyền thống do con người chụp là khác nhau hoàn toàn.
Ảnh chụp tự nhiên là thực tế, hoàn hảo đúng theo quy luật tự nhiên, còn hình ảnh do AI tạo nên chỉ là ảnh ảo, chính vì vậy mà ảnh chụp thực tế mới được sử dụng trong báo chí, lưu trữ, dùng làm chứng cứ vì mang tính chân thật nhất, không chỉnh sửa. AI mới chỉ dừng ở mức làm ra những hình ảnh long lanh trong mắt người xem. AI không thể hiểu được thay con người trong những khoảnh khắc của thời gian, ký ức, suy nghĩ, cảm xúc - tất cả những thứ đó là kỹ năng thực sự của con người để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.
Còn ảnh báo chí thường phản ánh các sự kiện, hoạt động về những vấn đề diễn ra trong cuộc sống, theo hướng phù hợp với nội dung của bài báo, bảo đảm được tính đúng, tính chân thực và tính gợi cảm qua các hình ảnh chụp được để người xem, người đọc có thể hiểu những câu chuyện, thông điệp đằng sau bức ảnh đó. Ảnh báo chí phải là hình ảnh hiện thực, chỉnh sửa là điều cấm kỵ.
|
Microsoft vừa giới thiệu VASA-1, một trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép hình ảnh nói và thậm chí hát. Điều này càng khiến giới công nghệ lo lắng với vấn đề bảo mật trong tương lai.
|
Nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ là việc cầm chiếc máy ảnh lên và chụp một tấm ảnh mà còn là cách các nhiếp ảnh gia giao tiếp với thế giới, là phương tiện để kể lại những câu chuyện mà nhiếp ảnh gia nhìn thấy. Mỗi nhiếp ảnh gia đều có con đường khác nhau, cảm nhận vấn đề khác nhau và phong cách nhiếp ảnh khác nhau, những điều ấy tạo nên những tấm ảnh mang cá tính khác nhau, theo phong cách riêng của mỗi người. Đó là giá trị thật của nhiếp ảnh. Còn những tấm ảnh do AI tạo ra đều mang những sắc thái giống nhau, những vẻ đẹp chung chung và thường nó không mang lại cảm xúc cho người xem.
Giá trị của nhiếp ảnh truyền thống là lưu giữ những khoảnh khắc, ghi lại những tâm trạng, tình cảm và cảm xúc của nhân vật, sự kiện; còn các tác phẩm ảnh do AI tạo ra thường thiếu cái “hồn” của tấm ảnh./.
Tôn Thất Hùng