Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 10:31

Từ một mô hình hiệu quả

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, tháng 3/2012, BĐBP tỉnh Long An phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh hợp nhất các mô hình: “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Tiếng mõ tre chống cướp”,... thành mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.


Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Trăng hướng dẫn người dân biên giới sử dụng hiệu lệnh kẻng khi có tình huống

Đến thăm các hộ dân ở biên giới, hầu như nhà nào cũng trang bị kẻng trước nhà. Đó là chiếc kẻng giữ gìn an ninh, trật tự và cứu hộ, cứu nạn của người dân biên giới.

Long An có đường biên giới dài 133km trải dài trên địa bàn 20 xã biên giới từ huyện Đức Huệ đến huyện Tân Hưng, giáp ranh 2 tỉnh Prey Veng và Svay Rieng (Vương quốc Campuchia). Với địa hình tương đối bằng phẳng, “biên giới mở” thuận tiện cho việc qua lại, trao đổi hàng hóa, thăm thân, du lịch. Tuy nhiên, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động. Trước đây, trên địa bàn biên giới thường xảy ra trộm, cướp, cướp có vũ trang, một số thanh, thiếu niên tụ tập đánh bạc, nhậu say, quậy phá,... khiến người dân hoang mang.

Trước tình hình đó, tháng 3/2012, Bộ Chỉ huy BĐBP phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh hợp nhất các mô hình trước đó thành mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, phát động quần chúng nhân dân tích cực phòng ngừa, đấu tranh và cứu hộ, cứu nạn trên khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới và an ninh, trật tự trên địa bàn.

Qua 5 năm thực hiện, mô hình được nhân rộng trên địa bàn 20 xã biên giới, tập trung vào 44 ấp với 2.337 kẻng con, 40 kẻng lớn, 334 xe máy, 155 xuồng máy, 127 hàng rào chắn di động ngăn chặn tội phạm. Các đồn biên phòng cùng lực lượng công an, quân sự địa phương xây dựng phương án, kế hoạch sát với thực tế, thường xuyên luyện tập, hướng dẫn người dân thực hành các tình huống. Qua diễn tập, người dân nhận biết từng tiếng kẻng hiệu lệnh: Báo cháy nổ, gây rối, trộm, cướp,... Khi có vụ việc xảy ra, các đồn biên phòng, công an, quân sự nhanh chóng phong tỏa biên giới, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, tiến hành mật phục, không để thủ phạm vượt qua biên giới.


Cán bộ biên phòng, công an, quân sự thường xuyên gặp gỡ trao đổi thông tin, tình hình

Mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” tạo được sự thống nhất, đồng thuận giữa chính quyền, nhân dân và các lực lượng tham gia. Công tác phối hợp phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả, xử lý tốt các vụ việc xảy trên biên giới và liên quan 2 bên biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thố, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Thông qua triển khai mô hình, các đồn biên phòng góp phần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Song song với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, BĐBP còn giúp đỡ người dân biên giới chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm nghèo,... thông qua các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới.

Về biên giới Long An hôm nay, chứng kiến quê hương ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đó chính là kết quả của sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết quân - dân, tạo sức mạnh tổng hợp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Minh Luận

Chia sẻ bài viết