Tiếng Việt | English

05/05/2023 - 15:46

Từ ngày 15-5, Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam

Từ ngày 15-5, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok từ ngày 15-5 - Ảnh: T.HÀ

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin - Truyền thông sáng 5-5, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình, cho biết Bộ Thông tin - Truyền thông đã công bố kế hoạch triển khai kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong tháng 5 này.

Theo kế hoạch, việc kiểm tra hoạt động của TikTok sẽ bắt đầu vào ngày 15-5 và kéo dài đến hết tháng.

Nhiều nội dung gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng

Theo ông Tự Do, từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng.

"Trước đây, nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí, nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị, cùng với đó là các nội dung độc hại, rất ảnh hưởng đến trẻ em phát triển mạnh mẽ, tạo thành trào lưu", ông Do nhấn mạnh.

Sáu sai phạm lớn của TikTok đã được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận có thể kể đến như không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

Mạng xã hội này sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ, cho phép người dùng xem và tặng quà, tặng tiền cho idol, dẫn đến tình trạng nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo "trend" để thu lời từ những nội dung này.

Đồng thời, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc…

Những hệ lụy nghiêm trọng

Theo ông Lê Quang Tự Do, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội, khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Theo ông Tự Do, để xử lý những sai phạm và hậu quả do các nội dung xấu độc trên TikTok, cùng với việc kiểm tra toàn diện từ ngày 15-5, trong thời gian tới Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ngăn chặn mua bán hóa đơn điện tử trên mạng

Ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhận được công văn từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

Hiện bộ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường quản lý về lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Chỉ thị này đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đang hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành.

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để xác định các đường link, tài khoản, trang web có liên quan đến hoạt động mua bán hóa đơn vi phạm pháp luật.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết