Tiếng Việt | English

27/09/2018 - 17:39

Tử vong do bệnh tim mạch cao gấp 20 lần so với ung thư

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch (TM), chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Dễ mắc, khó chữa, điều trị tốn kém nên bệnh TM dù nặng hay nhẹ cũng là rào cản kinh tế cho người bệnh và gia đình. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về phòng, chống những bệnh liên quan đến TM, phóng viên (PV) Báo Long An Online có cuộc trao đổi với Phó Trưởng khoa Nội TM Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ (BS).CKII. Nguyễn Trung Hiếu về căn bệnh này.

► PV: Bệnh TM là gì, thưa BS?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Bệnh TM là bệnh liên quan đến sự hoạt động quá sức của tim và gây suy yếu khả năng làm việc của tim như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim.

Bệnh TM còn gây ra sự gián đoạn hoặc không cung cấp đủ oxy đến các cơ quan trong cơ thể, khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động và phá hủy trực tiếp từng bộ phận dẫn đến tử vong.

► PV:BS có thể giúp bạn đọc nhận ra một số biểu hiện của bệnh TM?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Các biểu hiện của bệnh TM có thể kể đến đầu tiên là người bệnh cảm thấy khó thở. Người bệnh cảm giác khó khăn khi tiến hành động tác thở, xuất hiện khó thở không tương xứng với mức độ hoạt động thể lực, khó thở xuất hiện đột ngột.

Biểu hiện thứ hai là đau thắt ngực. Bất kỳ cơn đau nào như bóp nghẹt ở giữa ngực kéo dài hơn 2 phút đều có thể là biểu hiện của bệnh lý TM.

Biểu hiện thứ ba là ngất. Một số rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý mạch cảnh,... có thể gây ra ngất.

Thứ tư là phù, thường gặp phù mắt cá chân.

Biểu hiện thứ năm là tím tái. Đây là hiện tượng đổi màu phớt xanh của da và niêm mạc do máu không được bão hòa oxy đầy đủ. Tím tái thường thấy ở đầu các ngón tay và quanh môi.

Biểu hiện cuối cùng là đau cách hồi, là dấu hiệu khá đặc hiệu của bệnh động mạch chi dưới. Người bệnh có biểu hiện mỏi chân và đau hoặc chuột rút khi đi lại, sau khi nghỉ thì đỡ đau chân. Độ dài, quãng đường đi hoặc mức độ đau, thời gian hồi phục phản ánh mức độ nặng, nhẹ của bệnh tắc động mạch chi dưới.

Ảnh: Internet

► PV:Thưa BS, đâu là những nguyên nhân gây bệnh TM?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh TM. Hút thuốc là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp (THA), bệnh động mạch ngoại biên. Người ít hoạt động thể lực làm tăng khả năng xuất hiện bệnh THA, bệnh động mạch vành. Thừa cân cũng là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, THA, bệnh động mạch vành.

Tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh THA, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới. Căng thẳng (stress) cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh TM.

THA là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên,... Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý TM.

Bên cạnh đó, còn có yếu tố gia đình, một số bệnh lý TM như THA, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình. Nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi dễ mắc bệnh TM hơn. Nam giới mắc bệnh này nhiều hơn nữ giới.

► PV:Làm sao để biết một người đang có dấu hiệu của bệnh TM, thưa BS?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Thông thường sẽ có các biểu hiện cảnh báo nguy hiểm của bệnh TM.

Một là đau thắt ngực. Bệnh nhân bị đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt trong lồng ngực. Vị trí cơn đau thường ở phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng,... Đây là biểu hiện nghi ngờ bệnh nhồi máu cơ tim.

Hai là các biểu hiện ngừng tuần hoàn. Người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi hỏi không biết, ngừng thở, tím tái toàn thân, đôi khi có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ. Lúc này cần ép tim - thổi ngạt cho người bệnh ngay. Tư thế ép tim như sau: Người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân. Đặt 2 tay của người cấp cứu, bàn tay phải trên mu bàn tay trái, lên 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, ấn mạnh đồng thời cả 2 tay cho lồng ngực nạn nhân xẹp xuống; cần ép tim liên tục, thậm chí không cần động tác hà hơi thổi ngạt nếu chỉ một mình cấp cứu nạn nhân.

Ba là các dấu hiệu đột quỵ như đột ngột tê hoặc yếu nửa người một bên tay chân, ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân.

Bốn là người bệnh đau đột ngột chân hoặc tay, đau dữ dội. Chân hoặc tay đau lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện. Đây có thể là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân hoặc tay.

Năm là người bệnh đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi.

► PV:Trong ăn uống, người bệnh TM cần lưu ý gì, thưa BS?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Người mắc bệnh TM cần ăn giảm muối để giúp giảm và kiểm soát THA. Ăn thức ăn giàu kali. Thiếu kali làm ảnh hưởng đến huyết áp, gây rối loạn nhịp tim. Chế độ ăn bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín,...

Người bệnh cần tránh thức ăn chế biến sẵn, thức ăn và đồ uống có nhiều đường. Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật để tránh chất béo bão hòa. Ăn nhiều rau, nhiều quả, nhiều cá, ăn kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua,... Ngoài ra, chế độ ăn này có rất ít thịt, ít chất béo như bơ, dầu dừa, dầu cọ, thay vào đó là nhiều chất béo không bão hòa như dầu ôliu.

► PV:Như phần trên BS có nói, THA là yếu tố nguy cơ của bệnh TM, vậy như thế nào thì được xem là THA?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Hội THA Quốc tế thống nhất quy ước ở người trưởng thành gọi là THA khi huyết áp tối đa, còn gọi là huyết áp tâm thu, trên hoặc bằng 140mmHg và hoặc huyết áp tối thiểu, còn gọi là huyết áp tâm trương, dưới hoặc bằng 90mmHg, với ít nhất là 2 lần khám khác nhau, mỗi lần khám đo huyết áp ít nhất ở 2 thời điểm khác nhau.

► PV:Những nguyên nhân nào dẫn đến THA, thưa BS?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: THA không phải là bệnh thần kinh, không phải do căng thẳng thần kinh. Khoảng 90-95% trường hợp THA không tìm thấy nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh THA, các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh THA như thừa cân và béo phì; ăn nhiều muối; hút thuốc lá; uống rượu nặng và thường xuyên; thiếu vận động. Các căng thẳng trong cuộc sống cũng làm ảnh hưởng đến huyết áp.

Ngoài ra, còn có yếu tố về di truyền. Nếu cha mẹ hoặc người ruột thịt của bạn bị THA, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn. Tuổi càng cao, bạn càng dễ bị THA. Người mắc các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, sỏi thận, hẹp động mạch thận,... hay các bệnh nội tiết như cường tuyến giáp, cường tuyến yên, u vỏ hoặc tủy thượng thận,... bệnh lý mạch máu và tim như hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ,... người bị nhiễm độc thai nghén cũng dễ bị THA.

► PV:BS có thể nói rõ hơn về những biến chứng của bệnh THA?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Bệnh THA gây ra nhiều biến chứng ở nhiều bộ phận trên cơ thể người. Ở tim sẽ gây ra biến chứng tim cấp tính như phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp,... và biến chứng tim mạn tính như dày thành tim trái, suy vành mạn, suy tim,...

Biến chứng mạch não cấp tính gây xuất huyết não, tắc mạch não, tai biến mạch não thoáng qua, bệnh não do THA,... Biến chứng mạch não mạn tính: Tai biến mạch não, tai biến mạch não thoáng qua,...

Ở thận gây đái máu, đái ra protein, suy thận,... Ở mắt gây phù võng mạc, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, động mạch võng mạc co nhỏ,... Biến chứng ở động mạch gây tách thành động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên,...

► PV: Người cao huyết áp cần vận động, ăn uống như thế nào, thưa BS?

BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu: Người bệnh THA phải phối hợp việc thay đổi lối sống và kiểm soát được huyết áp mục tiêu ở mức dưới 140/90mmHg. Những bệnh nhân THA mắc thêm bệnh đái tháo đường hoặc suy tim, suy thận phải kiểm soát huyết áp với huyết áp mục tiêu thấp hơn 130/85mmHg.

Trong những trường hợp mới bị THA ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường tập luyện đã cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Còn trong những trường hợp THA giai đoạn II, III, việc thay đổi chế độ ăn và lựa chọn hình thức tập luyện hợp lý là bắt buộc để phối hợp điều trị bằng thuốc.

Người bệnh cần ăn nhạt với lượng muối không quá 6gr/ngày, vì ăn mặn sẽ gây giữ nước trong máu, gây THA. Cần hạn chế các thức ăn chế biến sẵn như giò, chả, đồ xông khói, các món dưa muối, cà muối, tẩm ướp vì trong quá trình chế biến thường cho nhiều muối.

Cần hạn chế đến mức thấp nhất chất béo trong khẩu phần ăn. Không ăn thịt mỡ, bơ, loại bỏ hết mỡ nhìn thấy trong quá trình chế biến, không ăn nước xào, canh xương, canh cá chưa vớt hết váng mỡ, không ăn da các loại gia súc, gia cầm, hạn chế ăn dầu thực vật vì có chứa nhiều calo, uống sữa đã tách bơ.

Hạn chế đến mức thấp nhất dùng đường, bánh, kẹo ngọt, uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Tăng cường ăn rau, quả xanh, trái cây, các thức ăn có chứa nhiều kali, magiê và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, rong biển, chuối, dưa hấu, khóm. Nếu người bị THA và thừa cân thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý.

Các nhà TM hàng đầu thế giới khẳng định rằng, tập luyện, rèn luyện sức khỏe là một trong những phương pháp chữa bệnh THA hữu hiệu không dùng thuốc. Nhưng phải qua 2-3 tháng tập luyện thường xuyên, huyết áp mới bắt đầu hạ xuống, bởi vậy, tập luyện đòi hỏi phải kiên trì.

Đi bộ nhanh và chạy sức khỏe là phương pháp hữu hiệu làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân có biểu hiện THA độ I, II. Tùy theo tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hay tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Nên duy trì chế độ luyện tập đều đặn ít nhất 30-45 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần.

► PV: Cảm ơn BS về cuộc trao đổi!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết