Đầu tháng 8 Âm lịch, khi các vườn sầu riêng ở miền Tây đều kết thúc vụ mùa thì vườn sầu riêng 3ha của bà Bay bắt đầu ra hoa. Hoa chi chít khắp thân, cành, báo hiệu một đợt thu hoạch thuận lợi. Đây là năm thứ 3, bà Bay xử lý cho vườn sầu riêng ra hoa trái vụ và toàn bộ sản phẩm đều được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp nước ngoài.
Gia đình phản đối, hàng xóm nói “khùng”
Sau nửa đời “vật lộn” với cuộc mưu sinh, hơn 50 tuổi, bà Bay có căn nhà nhỏ ở thị trấn Tân Thạnh và 8ha đất ruộng. Với số vốn kha khá đó, bà hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, giao việc ruộng đồng lại cho các con. Tuy nhiên, bà lại không nghĩ vậy!
Nông dân sản xuất giỏi Đỗ Thị Bay được mệnh danh là “nữ hoàng” sầu riêng ở huyện Tân Thạnh
Trong thời gian làm dịch vụ cho thuê máy xúc, bà đi lại nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả cao, đầu tư trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang trước khi về sinh sống ổn định tại huyện Tân Thạnh. Khi xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh) hoàn thành hệ thống đê bao khép kín, bà Bay nghĩ ngay đến việc mang sầu riêng về vùng đất này vì việc tưới, tiêu có thể chủ động hoàn toàn nhờ hệ thống đê bao.
Thế nhưng, sầu riêng không phải là cây trồng bản địa, chưa biết có phù hợp thổ nhưỡng hay không, chi phí đầu tư cho vườn sầu riêng không hề nhỏ mà gia đình thì không đủ vốn. Không tìm được nguồn vốn, bà nghĩ đến chuyện bán nhà, bán đất và tất nhiên vấp phải sự phản đối của gia đình. Với kinh nghiệm trước đây trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, bà tin rằng mình sẽ thành công.
Bán căn nhà ở thị trấn Tân Thạnh và 4ha đất ruộng để có vốn đầu tư cho vườn sầu riêng là quyết định táo bạo và khó khăn của bà. “Lúc đó giống như tôi đánh một canh bạc lớn, toàn bộ gia sản đem đổ hết vào vườn sầu riêng. Trong nhà, hầu như không ai ủng hộ tôi. Hàng xóm thì nói tôi “khùng”, trồng cũng chẳng thu hoạch được gì đâu! Nhưng khi đã quyết định làm thì tôi không còn cách nào khác là làm hết sức mình” - bà Bay trải lòng. Bà kể, từ lúc mới bắt đầu cho đến bây giờ, bà vẫn luôn tin tưởng rằng, khi chịu khó đầu tư đầy đủ về vốn, kỹ thuật và tận tâm chăm sóc thì chắc chắn sẽ thành công.
Năm 2016, giữa đồng lúa mênh mông của xã Tân Lập “mọc lên” khu vườn rộng trồng mít, sầu riêng và tùng. Vườn được lên giồng cao với hệ thống rãnh đào chứa nước xung quanh. Vườn sầu riêng nhà bà Bay trở thành chủ đề bàn tán của mọi người. Thời điểm đó, hầu như không ai tin vào việc bà làm. Hàng ngày, bà Bay lầm lũi một mình chăm vườn từ sáng sớm đến tối muộn. Mọi việc nặng nhọc, vất vả, bà cố gắng tự xoay xở, phần vì muốn tự tay chăm sóc vườn cẩn thận, phần vì tiết kiệm chi phí đầu tư. Lúc đó, bà xác định “không còn đường lui” nên dù vất vả, khó khăn đến đâu cũng quyết tâm không bỏ cuộc.
Vườn sầu riêng tiền tỉ
Rồi, bà Bay cũng hái được những “trái ngọt” đầu tiên. Nhờ được chăm sóc kỹ, đúng kỹ thuật nên vườn sầu riêng phát triển tốt. Sau vài năm, cây tùng cũng bắt đầu cho huê lợi. Thương lái thu mua mỗi cây từ mười đến vài chục triệu đồng. Vườn tùng mang về cho bà nguồn thu lên đến hàng tỉ đồng. Cùng thời điểm đó, mít bắt đầu cho trái. Bà Bay tiếp tục lấy của vườn chăm lại cho vườn, chờ đến ngày sầu riêng thu hoạch. Vụ mùa đầu tiên, vườn sầu riêng mang đến cho bà 5 tấn trái. Bán cho thương lái, bà thu được khoảng 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu trồng và bán sầu riêng theo mùa cho thương lái thì tính ổn định không cao. Bà Bay lại suy nghĩ tìm hướng mới cho vườn sầu riêng. Với kinh nghiệm trồng sầu riêng trước đây cùng sự cần cù, chịu khó học hỏi, bà nhận ra những điều kiện cần thiết giúp cây sầu riêng ra hoa. “Nếu mình biết cách tạo ra những điều kiện thuận lợi như lúc chính vụ trong thời điểm nghịch vụ thì sẽ có cơ hội thu được sầu riêng trái mùa. Cái gì hiếm thì chắc chắn giá cao”, bà tự nhủ với lòng và quyết tâm thử nghiệm.
Sau đợt trái đầu tiên đúng vụ mùa, đến năm thứ 2, bà ngắt bỏ toàn bộ hoa sầu riêng chính vụ để chuẩn bị cho đợt xử lý sầu riêng trái mùa đầu tiên. Đó cũng là một quyết định táo bạo của nông dân Đỗ Thị Bay bởi nếu xử lý không thành công thì coi như mất trắng trong năm đó. Kết quả, đợt sầu riêng trái vụ đầu tiên, bà thu được 2 tỉ đồng nhờ được mùa, được giá. Sầu riêng chưa kịp chín, thương lái đã tìm đến nhà đặt cọc, hỏi mua. Bà Bay được người dân địa phương gọi là “nữ hoàng” sầu riêng trong vùng.
Địa phương đang nghiên cứu, vận động bà Đỗ Thị Bay cùng một số nông dân khác phát triển du lịch sinh thái trong vườn trái cây
“Sầu riêng trái vụ thì giá cao nhưng bán cho thương lái và phụ thuộc vào thị trường nên cũng không có gì chắc chắn. Tại sao mình không tìm cách nào đó để ổn định hơn?” - bà Bay lại thêm một lần trăn trở. Câu trả lời được bà tìm thấy qua các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, những lần liên hệ với cán bộ địa phương. Muốn sản xuất bền vững thì chỉ một hướng đi duy nhất là sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính. Được sự hướng dẫn, tạo điều kiện của địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, bà đăng ký mã số vùng trồng, sản xuất sầu riêng sạch và kết nối được với doanh nghiệp nước ngoài. Sau khi kiểm định chất lượng trái, kiểm tra vườn thông qua Internet, công ty ký hợp đồng bao tiêu vườn sầu riêng đang cho trái của bà Bay với giá trị hợp đồng 3 tỉ đồng.
Thấy hướng đi của bà Bay mang lại hiệu quả, nhiều nông dân khác ở xã Tân Lập bắt đầu làm theo. Bao nhiêu kinh nghiệm trồng sầu riêng, bà đều truyền đạt lại cho người đi sau với suy nghĩ giúp được gì cho người khác thì cứ giúp. Các công trình giao thông nông thôn, các hoạt động thiện nguyện, tặng quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, bà thường xuyên tham gia tổ chức, đóng góp. Bà được công nhận nông dân sản xuất giỏi, được UBND tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tóm tắt lại hành trình từ một người bị cho là “khùng” thành “nữ hoàng” sầu riêng, bà Bay cười: “Vất vả, gian nan lắm, nhưng nhờ ông bà phù hộ nên mới được như bây giờ!”./.
Quế Lâm