Không đồng tình giải tỏa thêm 20m
DA đường Vành đai TP.Tân An có chiều dài hơn 23km, rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang), trong đó qua địa bàn thành phố 19,2km, điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ (QL) 1 - Đường tỉnh 833, TP.Tân An. DA này đi qua xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa); các xã: Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung, các phường: Khánh Hậu, Tân Khánh, phường 7, phường 5 (TP.Tân An).
Theo Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh, công trình sau khi hoàn thành tạo trục giao thông liên hoàn xuyên suốt nối liền giữa khu đô thị trung tâm thành phố với khu đô thị phía Bắc và khu đô thị phía Nam, là trục liên kết vùng Đồng Tháp Mười với các huyện phía Nam và phía Đông thành phố. Đồng thời, đoạn đường này tạo mối gắn kết, giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy thương mại phát triển, tạo động lực phát triển cho thành phố và cả tỉnh. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, DA gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư khá lớn. Mặt khác, DA chưa nhận được sự đồng tình của nhiều hộ dân trong vùng DA đối với việc giải tỏa thêm 20m ở mỗi bên đường. Từ đó, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.
Đại diện các hộ dân tại xã Bình Tâm có đất trong DA cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương quy hoạch đường Vành đai nhưng chỉ đồng ý giải tỏa phần đất nằm trong 33m, không chấp nhận giải tỏa thêm 20m hai bên đường. Hơn nữa, chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên xem xét lại đơn giá bồi thường vì hiện tại, giá đền bù quá thấp. Chúng tôi e rằng, sau khi giao nhà, giao đất sẽ khó có thể ổn định cuộc sống”.
Dự án đường Vành đai TP.Tân An gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng (Trong ảnh: Đường Vành đai qua đoạn Phan Đông Sơ, xã Bình Tâm hiện chưa thực hiện)
Mở đường để phát triển
Đường Vành đai TP.Tân An chia thành nhiều DA thành phần và nhiều gói thầu để thực hiện. Trong đó, đoạn từ QL1 đến Đường tỉnh 827A do Ban Quản lý dự án Công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải quản lý, chia làm 6 gói thầu thi công xây dựng (gồm 4 gói thầu đường, 1 gói thầu cầu Bảo Định và 1 gói thầu chiếu sáng). Hiện tại, trừ gói thầu số 5 (đoạn từ đường Phạm Văn Ngô đến đường Châu Thị Kim và cầu Bảo Định (dài 740m, kể cả cầu)) chưa khởi công, các đoạn còn lại đã san lấp mặt bằng, đắp cát, làm cống,… Đặc biệt, gói thầu số 4, đoạn từ QL1 đến đường Phạm Văn Ngô đoạn qua phường Tân Khánh dài hơn 1,4km, rộng 33m, được khởi công vào ngày 07-10-2019. Đây là một trong những gói thầu hoàn thành công tác GPMB sớm nhất của công trình.
Ông Nguyễn Văn Công, ngụ khu phố Nhơn Hậu 1, phường Tân Khánh, thông tin: “Nhà tôi có 1.000m2 đất lúa nằm trong diện GPMB thực hiện gói thầu. Bản thân tôi đồng thuận và giao mặt bằng cho Nhà nước thi công công trình. Tôi mong rằng, công trình hoàn thành không chỉ giao thông thông suốt mà đời sống người dân phát triển hơn”. Thông tin từ UBND phường Tân Khánh, nằm trong gói thầu số 4 có hơn 120 hộ có đất, công trình bị ảnh hưởng, phải thu hồi. Người dân rất đồng thuận với chủ trương thực hiện DA và nhìn chung cũng đồng ý mức giá bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Đường Vành đai, đoạn Quốc lộ 1 đến đường Phạm Văn Ngô qua phường Tân Khánh
Có mặt tại DA đường Vành đai, đoạn từ QL1 (phường Khánh Hậu) đến sông Rạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn) đường Phan Văn Tuấn nối Nguyễn Tấn Chính, chúng tôi cảm nhận không khí làm việc rất khẩn trương. Hiện tại, các đơn vị thi công san lấp mặt bằng, đổ cát, bắt đầu xây dựng 2 cầu trên tuyến,… Cũng tại khu vực này, Khu tái định cư số 01 (khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu) cũng thực hiện xong công tác GPMB và san lấp nền; đã triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn thành phố.
Anh Phương làm việc cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn - đơn vị thi công đường Vành đai đoạn Phan Văn Tuấn nối Nguyễn Tấn Chính, nói: “Anh em chúng tôi cố gắng bảo đảm an toàn và làm cho kịp tiến độ nên những ngày mưa, chúng tôi vẫn làm”.
Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị - Trần Thanh Nhàn thông tin, DA đường Vành đai thành phố, đoạn từ QL1 đến sông Rạch Chanh có chiều dài toàn tuyến khoảng 6km, thuộc DA Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP.Tân An. Quy mô xây dựng công trình có 4 hạng mục gồm đường giao thông với 4 làn ôtô; hệ thống cầu trên tuyến; hệ thống cống thoát nước; hệ thống chiếu sáng,… Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị được UBND thành phố giao là đại diện chủ đầu tư. Đến nay, tiến độ thực hiện thi công đường đạt trên 30%; 2 cầu Máng và cầu vượt số 7 cũng đang triển khai thi công.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động
Trong quá trình thực hiện, nhiều hộ gia đình gửi đơn khiếu nại, lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo tỉnh tiến hành đối thoại trực tiếp, giải quyết những vướng mắc của các hộ dân trong vùng DA. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND thành phố thành lập các đoàn vận động, tuyên truyền đi đến từng hộ gia đình, cá nhân chưa chấp hành chủ trương GPMB, chưa cho kiểm đếm, chưa đồng thuận đơn giá bồi thường thực hiện DA đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây.
Qua thời gian tuyên truyền, vận động, đa số hộ dân đồng ý chủ trương làm đường phạm vi 33m, không đồng ý phần mở rộng phạm vi 20m x 2 bên và đề nghị được ở lại vị trí đất hiện tại cặp đường Vành đai. Bên cạnh đó, một số trường hợp người dân đề nghị được nhận tiền bồi thường phần 33m; một số trường hợp đề nghị nhận tiền bồi thường phần 33m nhưng theo đơn giá trị trường năm 2020. Chưa đồng ý đơn giá bồi thường đất, tài sản trên đất, đề nghị được mua thêm lô đất tái định cư để ổn định cuộc sống và đơn giá tái định cư phải bằng giá bồi thường đất của DA.
Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết, hiện nay, các hộ dân ở dọc tuyến đường Vành đai có nhu cầu xây dựng trên đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở phần diện tích đất còn lại sau khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo quy định, các trường hợp trên chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn, khi triển khai GPMB theo quy hoạch được duyệt thì phần công trình không được bồi thường theo quy định; đối với phần đất nông nghiệp thì không được chuyển mục đích sang đất ở vì không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, điều này đã làm hạn chế quyền của người sử dụng đất, do các vị trí thuộc khu vực quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000 đường Vành đai TP.Tân An đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số trường hợp hộ dân giải tỏa trắng đất và nhà ở nhưng vẫn còn một thửa đất ở trên địa bàn có đất bị thu hồi. Vì vậy, theo quy định không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Tuy nhiên, các hộ giải tỏa này yêu cầu được bố trí tái định cư (có 5 trường hợp).
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại đồng thuận chủ trương thực hiện DA, các khu chức năng cặp hai bên đường Vành đai TP.Tân An./.
Dự án đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây có 1.670 hộ bị ảnh hưởng, đã kiểm đếm 1.670/1.670 hộ, đạt 100%. Đến nay, đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ được 1.424/1.666 hộ (đạt 85,5%), với số tiền trên 953 tỉ đồng; còn lại 234 hộ và 1 tổ chức chưa chi trả tiền, cụ thể: 133 hộ có ý kiến không đồng thuận chủ trương phần mở rộng 20m x 2 bên (phường Tân Khánh: 2 hộ; xã Bình Tâm: 102 hộ, xã An Vĩnh Ngãi: 13 hộ; phường 7: 3 hộ; Khánh Hậu: 3 hộ; xã Lợi Bình Nhơn: 10 hộ);... |
Song Nhi