Tiếng Việt | English

19/12/2015 - 05:05

Tỷ lệ điều trị bệnh viêm gan bị thất bại chiếm tỷ lệ khá lớn

Tuyên truyền, khám sàng lọc và tiêm vắc xin viêm gan B phòng bệnh cho trẻ sơ sinh tại tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Việt Nam nằm trong vùng dịch viêm gan virus B (HBV) lưu hành cao và có đến 15-25% người mắc HBV mạn tính bị chết do xơ gan, ung thư tế bào gan. Đây là bệnh có thể ngăn ngừa, điều trị được song ở nước ta số bệnh nhân điều trị thất bại chiếm tỷ lệ khá lớn.

Ngoài ra, trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp, viêm gan virus C (HCV) cũng là vấn đề được xã hội quan tâm với khoảng 170 triệu người trên thế giới nhiễm căn bệnh này và 3-4 triệu người mắc mới mỗi năm. Tuy nhiên, người mang virus B, C nếu được điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa gây bệnh gan, xơ gan, ung thư tế bào gan và tử vong…

Do đó, ngoài việc chẩn đoán và tiên lượng bệnh, điều trị thành công cho người bệnh luôn là vấn đề đặt ra với các bác sỹ lâm sàng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Ngọc, trước khi điều trị bệnh, thầy thuốc cần trả lời được các câu hỏi: Mục tiêu là gì? Điều trị cho ai? Điều trị bằng thuốc gì? Điều trị đến bao giờ?... Mục tiêu điều trị HBV là ngăn ngừa xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan và tử vong; còn mục tiêu điều trị HCV là làm sạch virus, ngừng tiến triển hoại tử, xơ gan và không còn triệu chứng bệnh.

Tuy là bệnh có thể ngăn ngừa, điều trị được song hiện tỷ lệ điều trị viêm gan bị thất bại ở Việt Nam còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Thông tin này được phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Thị Ngọc - nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội gan mật Hà Nội cho biết tại hội nghị cập nhật những kiến thức mới về điều trị viêm gan virus B và C do Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức, ngày 18/12.

Nguyên nhân dẫn đến việc điều trị HBV, HCV thất bại chủ yếu liên quan đến người bệnh như​ không tuân thủ theo yêu cầu của bác sỹ; sự đề kháng bẩm sinh với thuốc interferon alfa; tác dụng phụ; ngưng điều trị; giảm liều thuốc; điều trị không liên tục trong một đợt điều trị; thời gian điều trị không đủ…

Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ.

Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Thị Ngọc, với những bệnh nhân trên 40 tuổi có thể xem xét điều trị HBV, HCV mặc dù men gan không tăng, nếu như gia đình bệnh nhân có tiền sử ung thư gan hoặc sinh thiết gan có tổn thương hoặc Fbroscan mức độ F2 trở lên.

Để ngừa sự kháng thuốc bằng cách dự phòng, bệnh nhân cần tránh những điều trị không cần thiết, bắt đầu điều trị thuốc kháng virus có tỷ lệ kháng thuốc thấp hoặc phối hợp thuốc, sử dụng thuốc thay thế khi không đáp ứng tiên phát và theo dõi (xét nghiệm HBV DNA (PCR) 3-6 tháng một lần trong suốt thời gian điều trị, kiểm tra sự tuân thủ điều trị trong trường hợp có bùng phát virus, khẳng định kháng thuốc bằng xét nghiệm đột biến kháng thuốc./. 

Tuyết Mai/Vietnam+

Chia sẻ bài viết