Tiếng Việt | English

12/09/2017 - 01:40

Ứng dụng cơ giới hóa trên vùng đất xám Đức Hòa

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh đậu phộng có ứng dụng cơ giới hóa trên vùng đất xám Đức Hòa” do Ths. Mai Thị Mộng Cúc làm Chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Khuyến nông Long An đăng ký chủ trì thực hiện.

Máy gieo đậu phộng

Đậu phộng là cây truyền thống của huyện Đức Hòa, thời gian qua, đậu phộng được trồng cả 3 vụ: Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân là vụ chính, có diện tích trồng và năng suất cao nhất; 2 vụ còn lại có diện tích ít hơn, dùng để sản xuất đậu giống, bình quân diện tích canh tác đậu phộng khoảng từ 5.000-6.600ha.

Với quy trình canh tác thủ công, năng suất thấp cộng với những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Đức Hòa nói riêng dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, công lao động tăng dẫn đến chi phí đầu vào cao, lợi nhuận từ cây đậu phộng thấp. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu gia tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển cây đậu phộng bền vững, cải thiện thu nhập của người trồng đậu phộng trên vùng đất xám Đức Hòa.

Đề tài đánh giá được hiện trạng canh tác đậu phộng dựa trên thực tiễn sản xuất và phân tích khoa học hiện trạng sản xuất đậu phộng của vùng Đức Hòa: Đất trồng khá phù hợp và nguồn nước tưới đa số từ giếng khoan theo phương pháp tưới thấm, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo và thu hoạch rất hạn chế, chủ yếu lao động thủ công, do vậy, chi phí sản xuất còn cao, thiếu vốn sản xuất và giá bán không ổn định, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Máy đào đậu phộng

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng nông hộ vẫn duy trì diện tích trồng tại vùng này. Nghiên cứu chọn được 3 giống đậu phộng (GV10. HL25, GV3) có triển vọng và thích nghi với vùng đất xám Đức Hòa, khoảng cách trồng (30x10)cm cho năng suất cao không khác biệt với đối chứng và công thức phân bón thích hợp cho việc cải thiện năng suất, chất lượng đậu phộng ở địa phương.

Kết quả nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đậu phộng là hướng đi đúng và phù hợp trong điều kiện sản xuất hiện nay vì việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác đậu phộng vừa có lợi về mặt kinh tế, vừa giải quyết vấn đề khan hiếm công lao động hiện nay. Chi phí sản xuất bình quân của mô hình thử nghiệm tại các điểm khoảng 41 triệu đồng/ha, ít hơn 7,5 triệu đồng so với lô đối chứng (mô hình đối chứng bình quân 48,5 triệu đồng/ha); năng suất của mô hình thử nghiệm bình quân 2.621kg/ha xem như tương đương với năng suất của mô hình đối chứng.

Lợi nhuận của mô hình thử nghiệm đạt bình quân 5,4-16,1 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hình đối chứng từ 79,8-167,2% (lợi nhuận của mô hình đối chứng từ 1,1-7,1 triệu đồng/ha). Những kết quả về nghiên cứu được tập huấn và ứng dụng vào thực tế, giúp người trồng đậu phộng trên vùng đất xám Đức Hòa giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế so với tập quán canh trước đây.

Máy bứt đậu phộng

Mặc dù năng suất của mô hình thử nghiệm chưa đạt theo mong muốn nhưng hiệu quả kinh tế tăng thêm vượt yêu cầu. Hiệu quả kinh tế tăng chủ yếu là do ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo hạt và áp dụng đúng kỹ thuật bón phân, giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, từ đó, dẫn đến giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác đậu phộng vừa giúp nông dân giải quyết được vấn đề thiếu hụt công lao động, vừa tiết giảm được chi phí, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Có thể nói, cơ giới hóa là hướng đi tất yếu nhằm thúc đẩy phát triển cây đậu phộng nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung theo hướng bền vững.

Kết quả nghiệm thu được Hội đồng Khoa học tỉnh đánh giá đạt và có khả năng ứng dụng thực tiễn./.

TH-QLKH

Chia sẻ bài viết