Tiếng Việt | English

25/01/2023 - 08:50

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới

Chúng tôi về xã Thạnh An và Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An những ngày cận tết. Không khí rộn ràng, vui tươi, tràn ngập khắp các nẻo đường. Đó là niềm vui từ thành quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gắn với ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất.

Nông nghiệp khởi sắc

Việc xác định địa bàn để từng bước xây dựng, phát triển các vùng sản xuất ƯDCNC được Thạnh Hóa quan tâm nhằm bảo đảm chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tân Tây, Thủy Đông và Thạnh An là 3 xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất ƯDCNC của tỉnh. Ngoài ra, huyện xây dựng mô hình ƯDCNC tại các xã còn lại trên địa bàn, tạo nên bức tranh nông nghiệp đang dần “khởi sắc”.

Tuyến đường tại xã Thạnh An rợp bóng cờ bay, mọi nhà chuẩn bị tươm tất cho ngày tết đến, xuân về với niềm tin thắng lợi mới

Đưa chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ấp 4, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Nguyễn Thị Chung giới thiệu về những công trình phúc lợi đã đưa vào sử dụng, các công trình chuẩn bị đầu tư và chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa. Bà Nguyễn Thị Chung cho biết: “Đến nay, xã thực hiện 1.281/1.200ha lúa ƯDCNC, đạt 115% chỉ tiêu nghị quyết tỉnh, huyện giao. Lợi nhuận cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình từ 2-2,5 triệu đồng/ha”.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân

Nhằm giúp người dân liên kết sản xuất, địa phương thành lập 1 HTX có 24 thành viên, 18 tổ hợp tác có 419 thành viên. Trong các tổ hợp tác có 4 mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, gồm: 2 mô hình trồng rau và 2 mô hình trồng lúa chất lượng cao. Các thành viên tham gia HTX, tổ hợp tác có điều kiện trao đổi kỹ thuật canh tác, được tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Thời gian qua, xã được cấp trên quan tâm hỗ trợ vốn xây dựng, duy tu, sửa chữa, nạo vét 39 công trình phục vụ sản xuất ƯDCNC với tổng kinh phí trên 39 tỉ đồng, trong đó, người dân và mạnh thường quân đóng góp 2 tỉ đồng. Đến nay, xã có 10 khu đê bao với diện tích trên 2.000ha, 4 trạm bơm điện phục vụ 991ha đất sản xuất. Hệ thống thủy lợi bảo đảm cho sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An - Phạm Tấn Lộc khẳng định: “Tăng năng suất, lợi nhuận và giảm chi phí trên cùng diện tích canh tác, đời sống người dân được nâng cao,... là “trái ngọt” từ khi địa phương được tỉnh, huyện chọn làm điểm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. ƯDCNC trong sản xuất góp phần giúp xã thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng xã văn hóa NTM năm 2022. Đây còn là tiền đề để xã “về đích” NTM năm 2023, nhân dịp chào mừng 20 năm thành lập xã (2003-2023). Đến nay, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 82%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 0,83%”.

Vùng quê "thay áo mới"

Về lại xã Thủy Đông những ngày này, nhìn các tuyến đường được láng nhựa, bêtông sạch, đẹp, nhiều ngôi nhà tường khang trang mọc lên san sát, cánh đồng lúa, diện tích khoai mỡ vùng chuyên canh xanh mơn mởn trải dài đủ để cảm nhận được vùng quê nghèo khó năm nào giờ “thay áo mới”, đời sống người dân được nâng cao. Đây chính là thành quả của chương trình XDNTM gắn với ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp.

Đến tham quan mô hình sản xuất lúa giống ƯDCNC của HTX Nông nghiệp ấp Nước Trong (xã Thủy Đông) vào những ngày cận tết, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây đều phấn khởi bởi mô hình sản xuất lúa hiện đại mang lại nhiều lợi ích. Xã có 500ha sản xuất lúa ƯDCNC. Vụ Đông Xuân 2021-2022, từ nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất của tỉnh, HTX đầu tư mua 1 máy cấy lúa, hệ thống gieo mạ khay và khay mạ, tổng trị giá 430 triệu đồng.

Nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Nhấp ngụm trà, ông Nguyễn Thành Luôn (ấp Nước Trong) hào hứng nói: “Nông dân áp dụng các hình thức sạ thưa hoặc cấy bằng máy giúp tiết kiệm nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và ít sâu, bệnh. Từ đó, thu nhập tăng lên rõ rệt, đời sống từng bước cải thiện, nâng cao về mọi mặt và náo nức đón chào năm mới”.

Năm 2018, xã Thủy Đông đạt chuẩn NTM. Đó là kết quả đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Là xã thuần nông với nhiều loại cây trồng như khoai mỡ, lúa, mai vàng,... nên ngoài diện tích lúa giống ƯDCNC, xã còn xây dựng được trên 1.000ha/1.900ha vùng chuyên canh khoai mỡ.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết: “ƯDCNC trong sản xuất là “chìa khóa” quan trọng góp phần để địa phương hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao thời gian tới. Thành quả đã đạt từ chương trình XDNTM gắn với ƯDCNC trong sản xuất thổi “luồng sinh khí” mới, mang đến niềm vui, hy vọng về một năm nhiều đổi mới. Đây còn là động lực để chính quyền và nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Mùa xuân năm nay chắc hẳn là mùa xuân đầy niềm vui và hy vọng đối với người dân trên địa bàn huyện nói chung và tại xã Thạnh An, Thủy Đông nói riêng. Trên những cánh đồng lúa xanh tươi cùng những tuyến đường quê đầy sắc hoa và rợp bóng cờ bay, mọi nhà đang chuẩn bị tươm tất cho ngày tết đến, xuân về với niềm tin thắng lợi mới./.

Toàn huyện có trên 25.800ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích trồng lúa trên 19.600ha, chanh gần 600ha. Đến nay, huyện xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 3.160ha.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện xây dựng 6.000ha vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó gồm 5.700ha lúa tại tất cả các xã trong huyện và 300ha chanh chủ yếu tập trung ở xã Thuận Bình và Tân Hiệp. Hiện huyện có 5 xã (Tân Đông, Tân Tây, Thủy Đông, Thạnh Phước, Thủy Tây) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết