Tiếng Việt | English

09/06/2021 - 16:05

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch

Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Long An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên nhiều lĩnh vực nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH.

Hướng dẫn người dân khai báo y tế điện tử

Hướng dẫn người dân khai báo y tế điện tử

Đẩy mạnh tuyên tuyền

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng CNTT đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch của cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Tại Long An, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hệ thống tin nhắn được xây dựng nhằm triển khai nhanh chóng, kịp thời các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh đến các thành viên. Thông qua các tin nhắn, bảng thông tin, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, người dân có thể nắm bắt tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế và chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Tỉnh cũng mở rộng đối tượng khai báo y tế (KBYT) điện tử giúp cơ quan chức năng thu thập dữ liệu phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch được nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng KBYT và phát hiện tiếp xúc gần được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, có 3 ứng dụng dùng để KBYT và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn; Bluezone; NCOVI. Nhờ đó, nhiều người dân tích cực tham gia cài đặt và sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Thông qua các nội dung tuyên truyền, tôi biết được lợi ích ứng dụng Bluezone như KBYT điện tử, truy vết nhanh, hỗ trợ ghi lại lịch sử tiếp xúc giữa các điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng, cảnh báo nếu người dùng tiếp xúc với người có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc cài đặt ứng dụng này cũng đơn giản, chỉ cần vài thao tác là có thể truy cập nên tôi và các thành viên trong gia đình cài đặt và sử dụng”. Tuy nhiên, vẫn còn số ít người dân chưa quan tâm thực hiện. Chính vì thế, chính quyền cơ sở, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng để người dân hiểu và đồng lòng thực hiện.

Hạn chế nguy cơ lây nhiễm

Nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, ngày 04/6/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5180/UBND-VHXH về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong điều hành, giải quyết công việc nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện triển khai, thực hiện và quán triệt cán bộ, công chức, viên chức đẩy mạnh khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, phần mềm quản lý; ứng dụng các phần mềm miễn phí để trao đổi công việc trực tuyến; triển khai họp trực tuyến; bảo đảm an toàn thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4;…

Việc ứng dụng CNTT sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Bình Quới, huyện Châu Thành - Trương Thị Kim Yến cho biết: “Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Hội tạm dừng sinh hoạt tập trung, thay vào đó là tăng cường tuyên truyền thông qua Zalo nhóm Ban Chấp hành, nhóm phụ nữ nòng cốt với khoảng 30 thành viên để kịp thời thông tin các chủ trương của chính quyền địa phương về tình hình dịch bệnh. Để phát huy hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Hội vận động tất cả hội viên, phụ nữ có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone và KBYT điện tử; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng thực hiện”.

Phát huy tối đa ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực là cần thiết trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19. Qua đó, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung chống dịch, vừa hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH trong giai đoạn hiện nay./.

Thùy MInh

Chia sẻ bài viết