Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 14:40

Ung thư lưỡi tăng ở người trẻ

Trước đây, ung thư lưỡi hiếm gặp ở người bệnh dưới 40 tuổi thì những năm gần đây đã gặp nhiều hơn. Chỉ riêng năm 2014, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có hơn 80 người dưới 40 tuổi mắc bệnh ung thư lưỡi.


Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ung thư lưỡi đang điều trị tại khoa xạ 3 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Mới cưới vợ năm ngày, anh H.P., 25 tuổi, ở Ninh Thuận, phát hiện lưỡi có cảm giác bị cộm. Soi gương thấy bên bờ lưỡi phải nổi lên một đốm trắng, P. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận khám thì được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lưỡi, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị.

Nhiều người 
không biết bệnh

Ngồi tại phòng khám xạ trị 3 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, P. thẫn thờ kể về những ngày đầu phát hiện bệnh. Ngày nhận được thông báo mắc bệnh ung thư lưỡi cũng là lần đầu P. biết về bệnh này. Bàng hoàng, hoảng hốt là tâm trạng của P. hôm đó.

Những ngày sau P. khóc rất nhiều, phần vì P. còn quá trẻ, phần thương người bạn đời của mình. Đã sáu tháng trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại P. vẫn thấy rất khó chấp nhận được sự thật. Lúc chưa mắc bệnh, P. làm đầu bếp tại một khách sạn lớn ở tỉnh Ninh Thuận.

Nhưng giờ P. nghĩ mình không thể làm nghề này được nữa. Lưỡi của P. đã mất khả năng “nếm” món ăn sau khi được phẫu thuật và xạ trị. Không biết uống rượu nhưng P. kể hơn ba năm trước P. hút thuốc rất nhiều, mỗi ngày hút 10 - 20 điếu.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ung thư lưỡi không quá hiếm gặp nhưng rất nhiều người lại không biết về bệnh này.
Skip in 5...Advertisement in 12 seconds

Gần đây, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 500 ca mắc bệnh ung thư lưỡi đến điều trị. Chưa hết sáu tháng năm 2015 nhưng theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số bệnh nhân mắc ung thư lưỡi đến bệnh viện này điều trị đã lên đến 248 ca.

Theo thống kê từ số bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có tới 2/3 số bệnh nhân mắc bệnh ung thư lưỡi là nam giới. Tuổi thường gặp ở bệnh nhân ung thư lưỡi là từ 40 - 60 tuổi.

Tuy nhiên gần đây, không chỉ ở Việt Nam, ở Bệnh viện Ung bướu mà cả trên thế giới bệnh ung thư lưỡi ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân được đề cập nhiều để giải thích ung thư lưỡi có khuynh hướng tăng ở người trẻ là do lối sống như hút thuốc, uống rượu sớm hơn và nhiều hơn.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng ghi nhận virút HPV, loại virút gây bệnh ung thư cổ tử cung, cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh ung thư lưỡi.

Từ vết loét nhỏ

Ung thư lưỡi bắt đầu từ vết loét nhỏ, hơi ê, đau, không chịu lành sau 7 - 10 ngày. Bệnh diễn tiến rất nhanh. Nhiều người vì công việc bỏ qua, cố gắng chịu đựng 1 - 2 tháng sau mới đi khám, khi đó bệnh có thể trễ, người bệnh không còn cơ hội được phẫu thuật.

Nếu bệnh ung thư lưỡi được phát hiện rất sớm còn có cơ may chữa khỏi. Tuy nhiên, điều không may là hơn 2/3 trường hợp ung thư lưỡi đến bệnh viện khi đã trễ. Lúc đó, ung thư đã ăn lan khắp lưỡi, bệnh nhân khó ăn, khó nói, khó nuốt, hạch cổ di căn to, đau và không còn cơ hội được phẫu thuật.

Những phương tiện điều trị như hóa trị, xạ trị chỉ giúp căn bệnh chậm phát triển. Thời gian sống thêm của những bệnh nhân này có thể chỉ từ sáu tháng đến một năm. Ngay cả những bệnh nhân đến sớm, thời gian sống thêm 5 năm cũng thấp hơn nhiều so với những loại ung thư khác.

Ví dụ ung thư vú nếu đến sớm sẽ có hơn 80% bệnh nhân sống thêm 5 năm, nhưng với ung thư lưỡi thì con số này thường không quá 40%. Lưỡi là nơi ăn, nói nên khi vùng lưỡi bị tổn thương, người bệnh thấy rất đau đớn.

Người bệnh ung thư lưỡi ở giai đoạn cuối rất thương tâm khi người gầy rộc, miệng có bướu to, ăn, nói không được, đau đớn kinh khủng. Bác sĩ thường phải sử dụng tới morphine để giúp giảm cơn đau.

Hút thuốc lá, nguy cơ cao gấp 20 lần

Bác sĩ Quốc Thịnh cho biết nguyên nhân hàng đầu gây ung thư lưỡi là hút thuốc lá. Một người hút thuốc lá trên 25 điếu/ngày nguy cơ ung thư lưỡi gấp 20 lần so với người không hút.

Một người uống rượu thường xuyên, một ngày tiêu thụ trên 100ml rượu, nguy cơ bị ung thư lưỡi tăng gấp 5 lần so với người không uống rượu. Còn những người vừa hút thuốc lá vừa uống rượu thì nguy cơ bị ung thư lưỡi tăng lên 50 lần.

Phần lớn người mắc bệnh ung thư lưỡi điều trị tại Bệnh viện Ung bướu đều kể đã hút thuốc lá và uống rượu nhiều từ trước đó. Bác sĩ Thịnh nhấn mạnh: hút thuốc lá và uống rượu là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư lưỡi.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như vệ sinh răng miệng kém, bị chấn thương ở lưỡi do một cái răng mọc lệch, hoặc làm hàm giả không đúng kỹ thuật cà thường xuyên vào lưỡi làm lưỡi bị viêm loét lặp đi lặp lại nhiều lần.

Trong khi ăn, uống, thức ăn chuyển hóa sẽ tạo ra một số chất có thể gây độc tế bào. Vệ sinh răng miệng kém sẽ làm những chất này tích tụ, lắng đọng trong vùng miệng, lâu ngày sẽ tác động vào bề mặt niêm mạc lưỡi và những bề mặt niêm mạc khác trong hốc miệng. Khi vệ sinh răng miệng tốt, những tác nhân gây ung thư không đọng lại sẽ giảm nguy cơ ung thư.

Phòng ung thư lưỡi

Theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, ung thư lưỡi hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách không hút thuốc lá, không uống rượu, vệ sinh răng miệng tốt, đi khám răng miệng định kỳ để được lấy vôi răng, cao răng.

Khi được khám răng định kỳ, nha sĩ có thể phát hiện những tổn thương tiền ung thư để được điều trị sớm, hiệu quả. Ngoài ra nên ăn uống đầy đủ, hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Khi người bệnh thấy có vết lở loét trong miệng hơn 7 ngày mà không lành phải đi khám bác sĩ ngay.

Thùy Dương/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết