Tiếng Việt | English

30/05/2016 - 03:05

Vai trò của I-ốt đối với sự phát triển cơ thể

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Long An, năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt trong cộng đồng Long An đạt trên 98,7% nhưng đa số người dân sử dụng không thường xuyên.

Kết quả mẫu xét nghiệm nồng độ I-ốt trong nước tiểu chỉ đạt 7,3mcg/dl, thấp hơn khuyến cáo của Bộ Y tế là trên10mcg/dl. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến thiếu hụt I-ốt thường gặp tại Long An là bệnh cường giáp 20,3% và bướu giáp đơn thuần là 79,7%. Đây cũng là vấn đề khó khăn của chương trình phòng ngừa rối loạn do thiếu hụt I-ốt cho cộng đồng.


Ảnh minh hoạ. Internet

I-ốt là một trong những vi chất dinh dưỡng cần thiết đối với sự phát triển của mỗi con người. Dù chỉ một lượng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Thời kỳ bào thai, thiếu I-ốt sẽ gây nên những tác hại đặc biệt nghiêm trọng. Nếu người mẹ thiếu I-ốt trong 2 tháng đầu của thai kỳ, trẻ ra đời rất dễ bị câm, điếc bẩm sinh, nói ngọng, đần độn, liệt tay, chân, bướu cổ sơ sinh và thiểu năng giáp. Người mẹ mang thai, thiếu I-ốt còn có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non…

Ở trẻ em, nếu thiếu I-ốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ như: Trẻ chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ, thấp, kết quả học tập kém. Trẻ thiếu hụt I-ốt nặng có thể gây chứng thiểu năng trí tuệ và đần độn, gây tổn thương vĩnh viễn không chữa trị được. Trẻ em, nếu được cung cấp bổ sung I-ốt kịp thời sẽ cải thiện trí tuệ và không để lại di chứng.

Ở tuổi dậy thì, nếu thiếu I-ốt rất dễ bị bệnh bướu cổ và có thể gặp các biến chứng của bệnh bướu cổ. Người lớn, thiếu I-ốt sẽ làm giảm khả năng lao động.

Bướu cổ và đần độn là 2 biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu I-ốt và đây chính là lý do để chương trình phòng, chống bướu cổ được triển khai trên toàn quốc trong nhiều năm qua. Thiếu I-ốt có ảnh hưởng rất lớn đến giống nòi, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Để phòng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu hụt I-ốt gây ra, muối I-ốt vẫn được xem là nguồn sản phẩm cung cấp I-ốt hiệu quả, an toàn cho con người.

Vì tương lai của thế hệ trẻ, vì chất lượng giống nòi, mọi người hãy bổ sung đầy đủ I-ốt cho cơ thể, tốt nhất là sử dụng muối I-ốt làm gia vị trong chế biến món ăn hàng ngày và ăn các loại thực phẩm giàu I-ốt như: Các loại hải sản: Tôm, cua, cá, ghẹ, rong biển, tảo biển; các loại rau: Rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi,…; các loại trái cây tươi, thịt và sữa. Đây là biện pháp có hiệu quả cao, rẻ tiền, bảo đảm bổ sung I-ốt thường xuyên, đều đặn cho tất cả mọi người./.

Song Minh

Chia sẻ bài viết