Ông Nguyễn Văn Kiểm kể với thế hệ trẻ về trận Cầu Kinh
Nhớ trận Cầu Kinh
Qua cầu Thủ Bộ, xe chúng tôi chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lì. Đến ngã tư Đông Thạnh, chúng tôi rẽ trái vào xã Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc). Con đường di tích Cầu Kinh thuộc ấp 1 ngày nay được bêtông hóa, rộng, giúp phương tiện lưu thông dễ dàng.
Cứ mỗi lần đặt chân đến đây, chúng tôi lại nhớ về bài thơ của nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, người từng trực tiếp chỉ huy trận đánh lịch sử Cầu Kinh - Đại úy Huỳnh Công Út:
Cầu Kinh chiến đấu ngày nào
Hôm nay trở lại thế nào cũng vui
Nhớ thương chiến sĩ ngoan cường
Sáu trăm tên Mỹ chiến trường bỏ thây
Tiểu đoàn chặn đánh tại đây
Mấy mươi năm tôi đến đây một lần
Bạn xa lại thấy bạn gần
Về đây họp mặt một lần Vĩnh Tây…”
(Trích bài thơ Cầu Kinh Đây)
Đây là trận đánh có một không hai trong lịch sử, mở đầu cho chiến dịch 45 ngày đêm chống Mỹ của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc từ ngày 05/6/1967 đến 20/7/1967. Trận Cầu Kinh là chiến công hiển hách của Ðảng bộ, quân, dân Long An trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng góp phần làm phá sản chiến lược phản công mùa khô của địch, giúp ta giữ vững vùng giải phóng, giành thế chủ động trên chiến trường địa phương, đồng thời cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ phong trào đấu tranh toàn dân ngày càng phát triển. Chiến công này góp phần quan trọng vào thành tích chung của tỉnh, là cơ sở để Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Khu di tích (KDT) Cầu Kinh được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1993. Năm 2013, KDT lịch sử này được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 4 tỉ đồng, có diện tích 1.200m2. Khi KDT hình thành, ông Nguyễn Văn Kiểm - cựu chiến binh của Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, từng chiến đấu tại khu vực Cầu Kinh, tình nguyện nhận lời đến đây trông nom, giữ gìn KDT cho đến ngày nay.
Người lính già nay đã bước qua tuổi 75 nhưng những ký ức hào hùng về một thời khói lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Cứ mỗi lần nhắc lại, đôi mắt ông nhìn về xa xăm, tưởng nhớ những đồng đội của mình. Giọng xúc động, ông bảo: “Trong trận chiến khốc liệt ấy, mỗi ngày trên bầu trời, Mỹ huy động trực thăng, phản lực; trên bờ, dưới sông cũng đều có lính Mỹ thường trực. Nhưng với lòng gan dạ, dũng cảm, quân và dân vùng hạ đã anh dũng chiến đấu đến cùng… Giữa sự sống và cái chết, ranh giới quả thật rất mong manh. Chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ chiến đấu lên hàng đầu. Tôi là một người may mắn trong số rất ít những đồng đội còn sống sót sau cuộc chiến!”.
Là nhân chứng lịch sử, từng chiến đấu tại đây nên nhiều năm qua, mỗi khi có đoàn khách tham quan, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên, ông Kiểm thường kể lại chân thực, chính xác về trận Cầu Kinh, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống lịch sử quê hương mình.
Đoàn viên thanh niên thăm, tìm hiểu về di tích Cầu Kinh
Giáo dục truyền thống
Sau những giờ học tập trên lớp, em Nguyễn Thị Kiều Trang - học sinh lớp 12A3, Trường THPT Cần Giuộc, dành thời gian cho những việc mình yêu thích. Ngoài tham gia các hoạt động ngoại khóa, em tìm hiểu về các KDT trên địa bàn huyện. Em chia sẻ: “Em từng đến KDT Cầu Kinh để thắp nhang, tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ”.
Phó Bí thư Huyện đoàn - Đỗ Thị Thảo Phương thông tin, toàn huyện có khoảng 20 KDT lớn, vì vậy, Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn đều quan tâm đến việc giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt là về các “địa chỉ đỏ”. Mấy năm gần đây, Huyện đoàn tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại một số KDT trong huyện, không chỉ giúp các em tự hào khi đứng chân vào hàng ngũ Đoàn mà còn hiểu thêm về truyền thống quê hương.
Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu nhi, Đoàn Thanh niên các cấp xây dựng, triển khai thông qua nhiều hình thức tuyên truyền: Tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, giao lưu với nhân chứng lịch sử, hành trình về với “địa chỉ đỏ”, các cuộc thi tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, diễn đàn: Tôi yêu Tổ quốc tôi, Tự hào thế hệ Hồ Chí Minh, Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn, Em yêu lịch sử Việt Nam, Đảng với thanh niên, Thanh niên với Đảng,...
Song song đó, vào những dịp lễ, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức tham quan, về nguồn, tìm hiểu thực tế, viếng khu Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, KDT lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, KDT lịch sử Ngã tư Đức Hòa,...
Qua những chuyến đi thực tế này, đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về lịch sử, truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, hàng năm, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh có nhiều hoạt động, việc làm thiết thực chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc các nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ,.../.
Nguyệt Nhi