Tiếng Việt | English

19/04/2024 - 08:07

Về thăm nghề đan cần xé Đức Hòa 

Nghề đan cần xé ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An không biết có từ khi nào, nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác người dân nơi đây vẫn truyền nghề cho nhau.

Mặc dù làng nghề có quy mô sản xuất không lớn và chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp nhưng người thợ nơi đây vẫn giữ được kỹ thuật đan truyền thống, cố bám giữ nghề của cha ông./.

 Nghề đan cần xé, ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa được công nhận Làng nghề truyền thống năm 2013. Hiện nay, số lượng người theo nghề cũng giảm nhiều so với trước đây. Với nhiều hộ dân, nghề đan cần xé vẫn còn chỗ đứng trên thị trường nên tiếp tục lưu giữ nghề truyền thống

Để hoàn thành 1 chiếc cần xé phải trải qua khoảng 10 công đoạn. Để có được 1 chiếc cần xé bền, chắc, việc lựa chọn nguyên liệu (cây trúc) phải là loại trúc già và được phơi khô trước khi gia công

Những người làm nghề sẽ cưa trúc ra từng đoạn dài, ngắn tùy theo kích cỡ to, nhỏ của cần xé cần đan

 Trúc sau khi cưa xong được chẻ thành từng thanh nhỏ có bề rộng khoảng 1cm

 Các thanh trúc sau đó được chuốc thành các nan có độ dày, mỏng vừa phải, bảo đảm độ chắc chắn và dẻo dai cho chiếc cần xé

 Những cọng nan được đan thành tấm vỉ vuông. Công đoạn này được gọi là đan mê và được xem là công đoạn quan trọng nhất giúp định hình chiếc cần xé

 Kỹ thuật đan cần xé thoạt nhìn khá đơn giản nhưng để có chiếc cần xé đẹp, bền thì cần những người làm nghề khéo léo, các thanh nan được đan khít vào nhau tránh để khe hở. Từng cọng nan được đan nối tiếp nhưng phải bảo đảm không để lại mối nối

Cô Phạm Thị Rến, 65 tuổi có đôi bàn tay chai sần khi có hơn 50 năm gắn bó với nghề đan cần xé

 Theo cô Rến, gia đình cô gắn bó với nghề đan cần xé từ rất lâu. Cô theo nghề là đời thứ 3. Mặc dù hiện nay kinh tế gia đình cũng ổn định, nhiều lần được các con khuyên nghỉ ngơi. Nhưng chỉ được vài bữa lại nhớ nghề, nhớ những đường đan nên cô vẫn tiếp tục gắn bó với nghề

 Những cọng nan được đan dần đến khi tới miệng cần xé. Phần cọng nan đứng còn dư sẽ bẻ bỏ đi hay người thợ thường gọi là “cấu miệng” cần xé

 Khi chiếc cần xé gần hoàn thành, người thợ sẽ tiến hành công đoạn “léo miệng”. Những cọng nan mỏng, to bản hơn được dùng để cột chặt từ miệng xuống rồi rút lại thật chắc tay để tránh cần xé bị bung nan vuột ra

 Đan cần xé không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, nhẫn nại mới có thể gắn bó với nghề truyền thống này

 Trước khi hoàn thành 1 chiếc cần xé hoàn chỉnh, người làm sẽ tiến hành làm quai - công đoạn cuối cùng. Dù trông đơn giản nhưng đây là công đoạn khá kỳ công của người thợ. Quai xách phải bảo đảm êm tay và chịu được sức nặng khi chứa vật nặng

Cần xé thành phẩm là vật dụng chứa hàng hóa chủ yếu là nông sản gắn liền với đời sống của người nông dân

Dù hiện nay, trên thị trường có nhiều vật dụng tương tự được sản xuất công nghiệp nhưng những sản phẩn cần xé được đan thủ công vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường

Kiên Định – Võ Thành Nguyễn

Chia sẻ bài viết